Cái phi lí

Cái phi lí (tiếng Anh : absurd, tiếng Pháp: absurde) là thuật ngữ của văn học và phê bình văn học đương đại, nhằm chỉ tình trạng con người thoát li niềm tin nguyên thủy và cơ sở tư duy siêu hình, sống cô đơn, vô nghĩa trong cái thế giới xa lạ hiện hữu. Văn học phi lí tuy phần lớn sử dụng phương pháp của chủ nghĩa biểu hiện và chủ nghĩa hiện thực, nhưng cơ sở triết học của nó là chủ nghĩa hiện sinh, cho rằng con người bắt đầu từ hư vô, đi tới hư vô và kết cục hư vô, cả cuộc đời là một tồn tại khổ đau và phi lí. Trong thế giới của đời sống nhân loại con người vô phương xây dựng một quan hệ có ý nghĩa với môi trường xung quanh, không cách gì xác lập được giá trị của mình. Thần thoại Xi-díp của A. Ca-muy biểu hiện tập trung cho triết học này. Xi-díp là một nhân vật huyền thoại bị đày xuống hỏa ngục, vĩnh viễn phải đẩy một hòn đá nặng lên đỉnh núi. Mỗi lần đẩy gần lên đến đỉnh thì kiệt sức, hòn đá lăn tụt xuống, y lại phải làm lại từ đầu, cứ như thế mãi mãi một cách vô nghĩa. Trong văn học, cái phi lí biểu hiện thành những hình thức phi lôgíc, phi liên quan, mộng ảo hư huyễn. Từ đó mà có kịch phi lí, phản nhân vật, phản tiểu thuyết, …

* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 11:24 Sáng ngày 13/04/2017