Cắt nghĩa (tiếng Anh : interpretation)
Cắt nghĩa với tư cách là lí luận và phương pháp lí giải bao hàm nội dung cơ bản của giải thích học. Giải thích học cũ cho rằng lí giải là sự hòa nhập của một tâm hồn vào một tâm hồn khác bằng giao lưu, do đó muốn lí giải thì xóa bỏ mọi hiểu lầm, để đạt được mục tiêu cuối cùng, ý đồ đọc là nắm bắt cho được “cái tôi” đằng sau văn bản, xem đó là bản chất của vấn đề. Lí thuyết giải thích hiện đại của Ga-đa-mơ và Ri-cô yêu cầu từ trong đối thoại với văn bản mà xác lập một thế giới ý nghĩa.
Theo Ga-đa-mơ, không có một tâm hồn nào là siêu lịch sử, luôn tự mình đồng nhất với mình. Con người trước khi dùng ngôn ngữ để tiến hành phán đoán bằng lời, phán đoán thẩm mĩ, phán đoán lịch sử, thì kinh nghiệm trực tiếp của anh ta đã tham gia vào sự hình thành của truyền thống lịch sử, hiệu quả thẩm mĩ và giao lưu ngôn từ. Do đó mục đích của cắt nghĩa là mở cái thế giới ấy, chứ không phải đem phương pháp mà thay thế nội dung, đem tâm hồn mà thay cho kinh nghiệm.
Trong đối thoại chúng ta không ngừng đổi thay chính mình ; cắt nghĩa có nghĩa là chúng ta tự tha hóa mình ra khỏi tính đồng nhất tự ngã ban đầu. Đó là một cuộc mạo hiểm không thể tránh khỏi để mở rộng vốn tri thức của chúng ta về thế giới và về mình. Ở đây sự triển khai của đối thoại không phụ thuộc vào ý chí của một phía nào, không phụ thuộc tác giả, cũng không phụ thuộc người cắt nghĩa, nhưng đòi hỏi người đọc cắt nghĩa. Cắt nghĩa không có nghĩa chỉ là phơi bày ý đồ của đối phương, mà là nắm vững cái nội dung kết hợp của cả hai phía, là một sự hội nhập về tầm nhìn. Đây là cách để chúng tá xác lập một mối liên hệ có tính sáng tạo và sống động đối với quá khứ, khiến chúng ta có thể biến cái thế giới khác mình thành của mình.
Ở đây sự tham dự còn quan trọng hơn phương pháp. Cắt nghĩa khổng phải là cái nằm ngoài lí giải, không phải là cái cộng thêm vào cho lí giải, cũng không phải là một mặt nào, một lĩnh vục nào của lí giải. Cắt nghĩa là dùng một phương thức đặc thù để thực hiện lí giải, là một trình tự nắm chắc lí giải, là quá trình cụ thể hóa lí giải. Theo Hai-đê-gơ thì lí giải là một cấu trúc có trước, còn cắt nghĩa là sự hình thành cụ thể của cấu trúc có trước đó trong hoạt động ngôn từ của văn bản.
Một đặc trưng quan trọng của cắt nghĩa là phép luận chứng tuần hoàn của nó. Điều đó có nghĩa là muốn lí giải một bộ phận thì bắt buộc phải lí giải toàn bộ, mà muốn lí giải toàn bộ thì phải bắt đầu từ bộ phận. Đin-tây đem sự chuyển đổi bộ phận và toàn thể này đưa vào mối quan hệ giữa khoảnh khắc và cả cuộc đời trong thể nghiệm. Theo Hai-đê-gơ, sự tuần hoàn của lí giải bắt rễ vào cấu trúc có tính thời gian, tính lịch sử của lí giải. Cho nên trong cắt nghĩa chúng ta không được né tránh nó, mà phải buộc nó phát huy tác dụng, từ đó mà phơi bày ý nghĩa bản thể của lí giải.
Ri-cô nhấn mạnh tới tính nguyên bản của cắt nghĩa, cho rằng trong khi viết diễn ngôn, tự sự, ẩn dụ,… trong hoạt động văn bản đã tồn tại một con đường hiện thực của cắt nghĩa. Ở đây cắt nghĩa có nghĩa là cùng với việc nắm bắt ý nghĩa cấu trúc của văn bản, phải phơi bày ý nghĩa ẩn dụ của nó, từ đó mà biến thế giới tác phẩm thành sự biểu hiện khuếch đại của ý thức bản ngã.