Cận văn học (tiếng Pháp : paralittérature) , các hiện tượng văn học pha tạp, vừa có đặc trưng của văn học như là một nghệ thuật ngôn từ, vừa có đặc trưng của các hình thái ý thức khác, của các thể loại phi văn học. Ví dụ tác phẩm văn học pha tôn giáo, pha triết học, pha chính trị, pha đạo đức, pha báo chí,… Theo ý nghĩa này, thần thoại, thánh kinh, sách bách gia chư tử, kí, tạp văn,… đều là cận văn học.
Văn học là một sản phẩm của lịch sử và xã hội. Khái niệm văn học các thời xa xưa không tránh khỏi sơ lược, ấu trĩ. Mặt khác, văn học với tư cách là một nghệ thuật không thể tồn tại bên ngoài xã hội, do đó không tránh khỏi sự pha trộn. Ở phương Tây nhà văn Phục hưng Bóc-ca-xi-ô từng tuyên bố thần học và thơ chỉ là một, thần học là thơ của Thượng đế. Ở Trung Quốc quan niệm văn dĩ tải đạo đã làm nảy sinh tác phẩm cận văn học. Cận văn học là khái niệm dùng để phân biệt văn học nghệ thuật với các tác phẩm văn học pha trộn, minh họa các nội dung khác, trong quá trình hình thành, phát triển của mình, chứ không có nghĩa đánh giá thấp các hiện tượng cận văn học. Các thời kì văn học cổ đại, trung đại, hiện đại, văn học nghệ thuật lớn lên giữa vô vàn thể loại cận văn học. Các tác phẩm cáo, chiếu, biểu, thư, tựa , điều trần , văn tế, lịch sử diễn ca,… nghệ thuật cao siêu, nhiều tác phẩm là thiên cổ hùng văn, nhưng về thực chất đều là cận văn học.
Xét một mặt khác văn học khi đã phát triển chín muồi cũng không thể và không cần hoàn toàn tách rời các yếu tố phi văn học. Các yếu tố tự nhiên, lịch sử, xã hội, tâm lí, tôn giáo, chính trị,… có thể thâm nhập vào văn học. Vấn đề là các yếu tố ấy không làm biến đổi bản chất nghệ thuật. Sự phân biệt văn học và cận văn học cho phép nhìn rõ quy luật phát triển của văn học, không đánh đồng giá trị văn học với giá trị cận văn học vào nhau. Đặc biệt là trọng thời hiện đại, phong trào “văn hóa đại chúng” ở phương Tây tràn ngập các tác phẩm cận văn học xem như thay thế văn học.