Chủ đề (văn học)

Chủ đề (tiếng Anh: theme ; tiếng Pháp : sujet) là vấn đề cơ bản, vấn đề trung tâm được tác giả nêu lên, đặt ra qua nội dung cụ thể của tác phẩm văn học.

Nếu khái niệm đề tài giúp ta xác định : Tác phẩm viết về cái gì ?, thì khái niệm chủ đề lại giải đáp câu hỏi : Vấn đề cơ bản của tác phẩm là gì ? Chủ đề và tư tưởng là hạt nhân cơ bản của nội dung của tác phẩm. Ví dụ : Cuộc sống cơ cực, bế tắc của người nông dân Việt Nam qua chính sách sưu thuế tàn bạo của bọn thực dân, phong kiến ở những năm 30 của thế kỷ XX là chủ đẻ của tiểu thuyết Tắt đèn (Ngô Tất Tố). Chủ đề của bài thơ Việt Bắc (Tố Hữu) là tình cảm quyến luyến mặn nồng giữa người cán bộ cách mạng và Việt Bắc ở giờ phút chia tay sau ngày kháng chiến chống Pháp thắng lợi.

Chủ đề bao giờ cũng được hình thành và được thể hiện trên cơ sở đề tài, Tuy nhiên trong thực tế văn học lại tồn tại một tình trạng phổ biến là : nhiều tác phẩm cùng hướng về một đề tài nhưng chủ đề của chúng lại khác nhau (chẳng hạn Theo chân Bác của Tố Hữu với Người đi tìm hình của nước của Chế Lan Viên hay Tắt đèn của Ngô Tất Tố với Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan, Chí Phèo  của Nam Cao).

Chủ đề tác phẩm nói lên chiều sâu tư tưởng, khả năng nắm bắt nhạy bén của nhà văn đối với những vấn đề của cuộc sống. Vì vậy, từ những đề tài cụ thể, rất bình thường, tác giả có thể nêu lên những chủ đề mang ý nghĩa khái quát to lớn, sâu sắc. Cùng với tư tưởng, chủ đề tạo ra tầm vóc của tác phẩm.

Ở những tác phẩm văn học có nội dung cụ thể rộng lớn, cốt truyện phức tạp phân thành nhiều tuyến, khối lượng nhân vật phong phú, người ta thường phân biệt chủ để chính và các chủ đề phụ, vì ở đây nhà văn có thể đặt ra hàng loạt vấn đề (chẳng hạn, Những người khốn khổ của Vích-to Huy-gô, Chiến tranh và hòa bình của L. Tôn-xtôi, Truyện Kiều của Nguyễn Du, Vỡ bờ của Nguyễn Đình Thi,…). Trong trường hợp này, chủ đề chính được xem là vấn đề bao quát nhất, chủ yếu nhất, còn chủ đề phụ là những vấn đề có ý nghĩa nhỏ hơn, thứ yếu hơn và có liên quan chặt chẽ với chủ đề chính. Sự phân biệt thiếu chính xác chủ đề chính và các chủ đề phụ sẽ dẫn đến sự nhìn nhận, đánh giá tác phẩm sai lệch,…

Cũng do mối quan hệ khăng khít của chủ đề và tư tưởng mà có khi người ta hiểu chủ đề là tư tưởng chủ đạo của tác phẩm.

Trong nghiên cứu văn học hiện đại, chủ đề còn được xem là phạm vi quan tâm chủ quan của nhà văn đối với thế giới, là hằng số tâm lí của nhà vãn, gắn với quan niệm thế giới của tác giả.

* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 11:37 Chiều ngày 24/04/2017