Chủ nghĩa hiện sinh

chủ nghĩa hiện sinh (tiếng Pháp : existentialisme)

Một trào lưu văn học xuất hiện ở châu Âu, trước hết là ở Pháp, vào những năm trước và sau Chiến trạnh thế giới thứ hai và tiếp đó, lan rộng nhanh chóng sang một số nước khác trên thế giới. Đây là một trào lưu khá rộng lớn và phức tạp. Ngay trong tư tưởng triết học của họ cũng không hoàn toàn đồng nhất. Có người hữu thần, có người vô thần, song họ giống nhau ở tư tưởng bi quan sâu sắc đối với con người và cuộc sống. Các nhà tư tưởng của chủ nghĩa hiện sinh cho rằng trong thế giới ngày nay mọi giá trị tinh thần đang mất hết ý nghĩa mà không thể bù đắp lại được. Điều đó sẽ dẫn tới tấn thảm kịch truyền kiếp “thân phận con người” mà nhà triết học Đan Mạch Kiếc-kê-ga từ thế kỷ XIX, đã có nói đến trong các thuyết về tội lỗi của con người ở “một thời đại mất Chúa” (thực chất là sự quan niệm về sự mất ý nghĩa của cuộc sống). Theo họ, con người đang bị bỏ rơi trong nỗi cô đơn giữa cái hiện hữu thù nghịch, cho nên cuộc đời chỉ là một sự vô nghĩa, “sự vô nghĩa sinh ra từ sự đối chiếu giữa lời kêu gọi của con người và sự im lặng của cuộc đời” (A.Ca-muy).

Để khắc phục tình trạng ấy, xuất phát từ một quan điểm duy tâm về bản chất con người, trong mệnh đề triết học khá tiêu biểu của họ “cái hiện sinh có trước bản chất”, các nhà hiện sinh chủ nghĩa kêu gọi con người quay về với cá nhân mình, “dựa vào cái mình có để không ngừng nâng cao mình lên”, để “tự do sáng tạo ra mình bằng mỗi hành động của mình, tự do mang đến cho sự sinh tồn của mình một ý nghĩa và để trở thành cái mà trước đây mình không phải như thế“

(Gi.P. Xác-tơ-rơ). Các khái niệm “dấn thân’’ và “nhập cuộc” mà các nhà hiện sinh chủ nghĩa thường nói tới chỉ là sự diễn đạt quan niệm và hành động tự do sáng tạo ra “con đường riêng của mình” như một sự cần thiết phải lựa chọn của bản thân mình trong những “tình huống bên bờ vực thẳm” đầy bi kịch, bất chấp tiêu chuẩn đạo đức, không tính đến động cơ, hiệu quả. Như vậy họ hành dộng trước hết chỉ vì cá nhân mình, vì sự tự vượt lên mình.

Thực tiễn văn học hiện sinh cho thấy nhiều khái niệm cơ bản trong học thuyết của họ như “tự do”, “hành động sáng tạo”,… được giải thích mỗi lúc một khác. Bản thân công việc sáng tạo văn học lúc đầu được giải thích như một sự nổi loạn siêu hình thuần túy, nhưng sau đó thì lại coi như bị lôi cuốn vào dòng chảy của lịch sử và đòi hỏi trở thành hành động phục vụ với tinh thần công dân và nhân đạo Xác-tơ-rơ (tiểu luận Văn học là gì ? 1947) ; Ca-muy (Diễn từ đọc ở Thụy Điển, 1957). Điều đó chứng tỏ thực tế cuộc sống luôn phản bác lại những mệnh đề lí thuyết siêu hình của họ. Và chính vì thế mà chủ nghĩa hiện sinh không đứng vững được lâu trong hiện thực. Vào nửa sau những năm 50, trào lưu văn học này trên thực tế đã chấm dứt lịch sử của nó. Những đại biểu nổi tiếng nhất của văn học hiện sinh chủ nghĩa phần lớn là người Pháp như Gi.P. Xác-tơ-rơ (1905 – 1980), X. Bô-voa (1908 – 1986), A. Ca-muy (1913 – 1960), A. Man-rô (1901 – 1976),…

Chuyên mục: Văn hóaVăn học. Thẻ: Thuật ngữ văn học.
* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 11:34 Chiều ngày 24/04/2017