Cốt truyện (tiếng Anh : plot. tiếng Nga : siujet, tiếng Pháp : sujet) là hệ thống sự kiện cụ thể, được tổ chức theo yêu cầu tư tưởng và nghệ thuật nhất định, tạo thành bộ phận cơ bản, quan trọng nhất trong hình thức động của tác phẩm văn học thuộc các loại tự sự và kịch.
Cốt truyện không phải là yếu tố tất yếu của mọi loại tác phẩm văn học. Trong các loại tác phẩm trữ tình, cốt truyện (với ý nghĩa chặt chẽ nhất của khái niệm này) không tồn tại vì ở đây tác giả biểu hiện sự diễn biến của tình cảm, tâm trạng.
Có thể tìm thấy qua một cốt truyện hai phương diện gắn bó hữu cơ: một mặt, cốt truyện là một phương diện bộc lộ nhân vật, nhờ cốt truyện, nhà văn thể hiện sự tác động qua lại giữa các tính cách nhân vật; mặt khác, cốt truyện còn là phương tiện để nhà văn tái hiện các xung đột xã hội. Cốt truyện vừa góp phần bộc lộ có hiệu quả đặc điểm mỗi tính cách, tổ chức tốt hệ thống tính cách, lại vừa trình bày một hệ thống sự kiện phản ánh chân thực xung đột xã hội, có sức mạnh lôi cuốn và hấp dẫn người đọc.
Cốt truyện là một hiện tượng phức tạp. Trong thực tế văn bọc, cốt truyện các tác phẩm hết sức đa dạng, kết tinh truyền thống dân tộc, phản ánh những thành tựu văn học của mỗi thời kì lịch sử, thể hiện phong cách , tài năng nghệ thuật của nhà văn.
Về phương diện kết cấu và quy mô nội dung, nhìn chung có thể chia cốt truyện thành hai loại : cốt truyện đơn tuyến và cốt truyện đa tuyến. Trong cốt truyện đơn tuyến, hệ thống sự kiện được tác giả kể lại gọn gàng và thường là đơn giản về số lượng, tập trung thể hiện quá trình phát triển tính cách của một vài nhân vật chính, có khi chỉ là một giai đoạn trong cuộc đời nhân vật chính. Vì vậy cốt truyện đơn tuyến thường có dung lượng nhỏ hoặc vừa. Cốt truyện đơn tuyến thường tổn tại trong các truyện ngắn, truyện vừa hoặc phần lớn các kịch bản văn học, Cốt truyện của Truyện Kiều, Tắt đèn, Bắc Sơn thuộc loại cốt truyện đơn tuyến.
Cốt truyện đa tuyến là cốt truyện trình bày một hệ thống sự kiện phức tạp, nhằm tái hiện nhiều bình diện của đời sống ở một thời kì lịch sử, tái hiện những con đường diễn biến phức tạp của nhiều nhân vật, do đó có một dung lượng lớn. Hệ thống sự kiện trong cốt truyện đa tuyến được chia thành nhiều dòng, nhiều tuyến gắn liền với số phận các nhân vật chính của tác phẩm. Ví dụ: cốt truyện của các tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình, An-na Ka-rê-ni-na của L. Tôn-xtôi thuộc vào loại cốt truyện đa tuyến.
Cơ sở chung của mọi cốt truyện, xét đến cùng, là những xung đột xã hội được khúc xạ qua các xung đột nhân cách. Nhưng sẽ sai lầm nếu đồng nhất xung đột xã hội với cốt truyện tác phẩm văn học. Xung đột xã hội là cơ sở khách quan, là đối tượng nhận thức, phản ánh, trong khi đó cốt truyện lại là sản phẩm sáng tạo độc đáo của chủ quan nhà văn.
Dù đa dạng, mọi cốt truyện đều trải qua một tiến trình vận động có hình thành, phát triển và kết thúc. Vì vậy, mỗi cốt truyện thường bao gồm các thành phẩn : trình bày, khai đoan (thắt nút), phát triển, đỉnh điểm (cao trào) và kết thúc (mở nút). Tuy nhiên, không phải bất cứ cốt truyện nào cũng bao hàm đầy đủ các thành phần như vậy. Vì vậy, cần tránh thái độ máy móc khi phân tích thành phần của cốt truyện. Vấn đề không phải là xác định một cách hình thức mỗi thành phần mà là thâm nhập sâu sắc vào nội dung cụ thể của tác phẩm, khảo sát các chặng dường phát triển có ý nghĩa quyết định đối với số phận nhân Vật, đặc biệt là các nhân vạt chính, có như thế, việc phân tích các thành phần của cốt truyện mới đem lại hiệu quả thiết thực cho nghiên cứu khoa học và cảm thụ nghệ thuật.
Bên cạnh khái niệm cốt truyện hiểu theo tinh thần truyền thống trên đây, còn có cách hiểu cốt truyện như là toàn bộ các biến cố, sự kiện được nhà văn kể ra, là cái mà người đọc có thể đem kể lại (histoire). Khái niệm cốt truyện như thế được đem đối lập với câu chuyện, truyện (récit) và sự trần thuật, sự kể chuyện (narration).