Du ký là một loại hình văn học thuộc loại hình ký mà cơ sở là sự ghi chép của bản thân người đi du lịch, ngoạn cảnh về những điều mắt thấy tai nghe của chính mình tại những xứ sở xa lạ hay những nơi ít người có dịp đi đến. Hình thức của du ký rất đa dạng, có thể là ghi chép, ký sự, nhật ký, thư tín, hồi tưởng, miễn là mang lại những thông tin, tri thức và cảm xúc mới lạ về phong cảnh, phong tục, dân tình của xứ sở ít người biết đến. Chẳng hạn Hành trình qua ba bể của nhà văn Nga Ni-ki-tin viết về Ấn Độ thế kỷ XV, hay Chuyến đi Bắc Kì năm Ất Hợi của Trương Vĩnh Ký, in năm 1881.
Dạng đặc biệt của du ký phát huy cái chất ghi chép về miền xa lạ của nó là tiểu thuyết du ký về các xứ sở tưởng tượng, có tính chất không tưởng hay viễn tưởng khoa học. Ví dụ : Gu -li-vơ du ký của Xuýp-tơ.
Dạng du ký khác đậm đà phong vị phương Đông là ghi chép cảm tưởng, nhận xét về những nơi danh lam thắng cảnh đất nước. Ví dụ : Du Bao Thiền sơn ký của Vương An Thạch đời Tống ở Trung Quốc, hoặc Bài kí tháp Linh Tế núi Dục Thuý của Trương Hán Siêu hay Bài kí chơi núi Phật Tích của Nguyễn Án. Loại này thường mang ý vị hoài cổ.
Thể loại du ký có vai trò quan trong đối với văn học thế kỷ XVIII – XIX trong việc mở rộng tầm nhìn và tưởng tượng của nhà văn. Sang thế kỷ XX, du ký mang nhiều tính chất tư liệu khoa học do các nhà địa chất, nhà dân tộc học viết. Loại du kí viễn tưởng khoa học cũng rất thịnh hành.