Đề tài (tiếng Pháp : thème), khái niệm chỉ loại các hiện tượng đời sống được miêu tà, phản ánh trực tiếp trong sáng tác văn học. Đề tài là phương diện khách quan của nội dung tác phẩm.
Các hiện tượng đời sống có thể liên kết với nhau thành loại theo mối liên hệ bề ngoài giữa chúng. Cho nên, có thể xác định đề tài văn học theo giới hạn bề ngoài của phạm vi hiện thực được phản ánh trong tác phẩm : đề tài thiên nhiên, đề tài loài vật, đề tài cải cách ruộng đất, đề tài sản xuất, đề tài chiến đấu, đề tài kháng chiến chống Mĩ, đề tài bộ đội Trường Sơn. Ở giới hạn bề ngoài của đề tài, các phạm trù xã hội, lịch sử giữ vai trò quan trọng. Cho nên, người ta có thể nói tới đề tài nông thôn, đề tài thành thị, đề tài công nhân, đề tài bộ đội, đề tài tiểu tư sản trí thức, đề tài lịch sử, đề tài hiện đại,…
Các hiện tượng đời sống lại có thể liên kết với nhau thành loại theo mối quan hệ bên trong của chúng. Cho nên cũng có thể xác định đề tài văn học theo giới hạn bên trong của phạm vi hiện thực được phản ánh trong tác phẩm.
Nhiều khi đề tài gắn liền với một hiện tượng xã hội – lịch sử, xuất hiện và trở thành phổ biến trong đời sống tinh thần của một thời hay một giới nào đó. Chẳng hạn có thể bắt gặp đề tài số phận người chinh phụ, người cung nữ, đề tài người tài hoa, đề tài những con người trung nghĩa, đế tài “con người thừa” trong môi trường quý tộc,… Trong văn học cách mạng Việt Nam hiện đại, nổi lên hàng đầu là đề tài người cán bộ chiến sĩ và quần chúng cách mạng. Ở giới hạn bên trong của đề tài, bản chất xã hôi của cuộc sống, của tính cách và số phận con người giữ vai trò quan trọng. Chẳng hạn, đề tài của Tắt đèn là cuộc sống bế tắc đen tối của người nông dân trước Cách mạng. Dĩ nhiên, sự xác nhận giới hạn bề ngoài và giới hạn bên trong như trên có ý nghĩa rất tương đối.
Do nhân vật có thể tiêu biểu cho một hiện tượng trong đời sống – một tầng lớp xã hội, một loại tính cách hoạt động trong một lĩnh vực đời sống cụ thể nên nhân vật có thể gắn liền với một đề tài tác phẩm. Chị Dậu tiêu biểu cho đề tài số phận bi thảm của người nông dân trước Cách mạng trong Tắt đèn. Nhưng tác phẩm không phải chỉ có một nhân vật. Theo bước chân và quan hệ của chị Dậu, đề tài của Tắt đèn được mở rộng. Với Nghị Quế, tác phẩm mở ra đề tài “quan nghị” – một sản phẩm lố bịch của xã hội thực dân, thuộc địa. Với lí trưởng, tuần đinh, lính lệ, tác phẩm mở ra đề tài bộ máy cai trị địa phương tham lam, tàn bạo. Hình tượng quan phủ, quan cụ nới rộng diện phản ánh tới cuộc sống bỉ ổi, xấu xa của bọn quan lại. Như vậy, đề tài của một tác phẩm thường là của cả một hệ thống các hiện tượng đời sống liên quan với nhau, bổ sung cho nhau.
Cần phân biệt đề tài với tư cách là phương diện khách quan của nội dung tác phẩm với đối tượng nhận thức, chất liệu đời sống hay nguyên mẫu thực tế của sáng tác văn học. Lẫn lộn hai mặt này sẽ dẫn tới tình trạng biến việc phân tích tác phẩm thành phân tích đối tượng được miêu tả. Đối tượng nhận thức, miêu tả của sáng tác văn học là cái còn nằm ngoài tác phẩm, đối diện với tác phẩm. Đề tài của tác phẩm là một phương diện trong nội dung của nó, là đối tượng đã được nhận thức, lựa chọn gắn liền với dụng ý, thế giới quan, lập trường tư tưởng, quan điểm thẩm mĩ của nhà văn.