Điển hình hóa

Điển hình hóa (tiếng Nga : tipizaciya), theo nghĩa rộng, là tổng hòa mọi biện pháp nghệ thuật nhằm làm cho hình tượng trở thành điển hình, là con đường đưa sáng tạo nghệ thuật đạt tới chất lượng cao.

Điển hình hoá luôn luôn gắn với quá trình khái quát hóa và cá thể hóa nhằm làm cho hình tượng vừa khái quát được những nét quan trọng nhất, bản chất nhất của đời sống, lại có được hình thức cụ thể – cảm tính của cá thể, độc dáo, không lặp lại. Với ý nghĩa ấy, điển hình hoá là khái niệm chung, chi một đặc trưng tiêu biểu của quá trình sáng tạo nghệ thuật. Mỗi thời đại lịch sử, mỗi trào lưu, trường phái văn học, mỗi phương pháp sáng tác thường có những nguyên tắc điển hình hóa riêng. Do đó, trong thực tế nghiên cứu người ta thường nói tới các hình thức điển hình hóa cụ thể khác nhau nhu : điển hình hóa hiện thực chủ nghĩa, điển hình hóa hiện thực lãng mạn chủ nghĩa hay điển hình hóa trong cổ tích, trong tiểu thuyết, trong kí.

Trong nghĩa hẹp, điển hình hóa là hình thức khái quát hóa đặc trưng của phươmg pháp sáng tác hiện thực chủ nghĩa, hình thành trên cơ sở quan sát tính lắp đi lắp lại tương đối ổn định của các hiện tượng, tính cách và quá trình cuộc sống cùng loại trong thực tế. Các nhà lí luận và các nhà văn lớn của chủ nghĩa hiện thực thường sử dụng thuật ngữ điển hình hóa với ý nghĩa này. L. Tôn-xtôi nói: “Cần phải quan sát nhiều người cùng loại để sáng tác một điển hình nhất định.”. Ở đây, điển hình hóa gắn liền hữu cơ với cá thể hóa nhằm tạo ra những hình tượng có khả năng thể hiện sinh dộng và nổi bật những nét quan trọng và bản chất của đời sống. A.Q.của Lỗ Tấn được miêu tả với nhiều nét cá biệt, khó quên : sống vô gia cư, không thân thích, không nghề nghiệp xác định, lại yếu, lại nhiều sẹo,… Nhờ có những nét cá biệt ấy mà “phép thắng lợi tinh thần” của A.Q. được thể hiện một cách nổi bật.

Song song với việc phát hiện và biểu hiện của thuộc tính điển hình, nhà văn hiện thực luôn luôn tôn trọng tính nhân quả lịch sử của các sự kiện và quá trình, tôn trọng quy luật phát triển tự thân của các tính cách, các số phận và quan hệ khác nhau nhiều màu vẻ giữa tính cách và hoàn cảnh. Vì vậy, quá trình điển hình hóa bao gồm sự điển hình hóa các chi tiết, tình tiết, tính cách, số phận và hoàn cảnh. Hình thức khái quát này hình thành trên cơ sở tôn trọng tính khách quan và tính quy luật của đối tượng nên đảm bảo được tính cụ thể – lịch sử trong sự khái quát. Tuy nhiên, điển hình hóa của chủ nghĩa hiện thực cũng không loại trừ những chi tiết li kì, thậm chí bề ngoài có vẻ phi lí, nhưng lại nêu bật được bản chất của sự vật. Chẳng hạn, việc Lỗ Tấn tả lính huyện bắc hai khẩu súng máy chĩa vào đền Thổ Cốc để bắt A.Q. có người cho là không thực, vì bắt một người lẻo khoẻo như A.Q. không cần đến thứ vũ khí như thế. Nhưng Lỗ Tấn trả lời rằng, vũ khí của nhà đương cục lúc ấy không nhằm vào hạng A.Q. thì còn nhằm vào ai ! Và như vậy, ý nghĩa điển hình của chi tiết rất rõ.

Điển hình hoá nghệ thuật là hình thức khái quát hóa cao nhất trong các hình thức khái quát. Phải có vốn sống phong phú, tư tưởng, tình cảm lớn, tài nghệ cao cường, nhà văn mới tiến hành điển hình hóa thành công được.

* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 10:40 Sáng ngày 13/04/2017