Độc thoại nội tâm (tiếng Anh : interior monologue) là lời phát ngôn của nhân vật nói với chính mình, thể hiện trực tiếp quá trình tâm lý nội tâm, mô phỏng hoạt động cảm xúc, suy nghĩ của con người trong dòng chảy trực tiếp của nó.
Hiện tượng độc thoại nội tâm đã thấy xuất hiện trong kịch cổ đại và nhất là kịch Sếch-xpia. Trong văn tự sự cận đại, độc thoại nội tâm vẫn còn mang tính chất sân khấu, một sự “tự bộc lộ”, “chân thành”, “khách quan”. Bắt đầu từ sáng tác của L. Xtớc-nơ, độc thoại nội tâm có chức năng mới : truyền đạt hoạt động của nội tâm. Trong tiểu thuyết sử thi của L. Tôn-xtôi, độc thoại nội tâm được truyền đạt gần như không có sự can thiệp của tác giả, phản ánh được cả ý thức lẫn vô thức của nhân vật. Dòng ý thức là biểu hiện đặc biệt, cực đoan của độc thoại nội tâm trong tiểu thuyết thế kỷ XX.