Hài kịch (tiếng Pháp: Comédie) là thể loại kịch, trong đó tính cách, tình huống và hành động được thể hiện dưới dạng buồn cười hoặc ẩn chứa cái hài nhằm giễu cợt, phê phán cái xấu, cái lố bịch, cái lỗi thời để tống tiễn nó một cách vui vẻ ra khỏi đời sống xã hội. Hài kịch cho đến thế kỷ XVII được coi như một thể loại đối lập với bi kịch, và tác phẩm của nó kết thúc nhất thiết phải có hậu.
Nhân vật của nó, theo nguyên tắc, thuộc về các tầng lớp bình dân. Trong cuốn sách về thi pháp Nghệ thuật thi ca, N. Boa-lô (1636-1711) đã xác định hài kịch là một “thể loại bậc thấp” (đối trọng với bi kịch là “thể loại bậc cao”). Trong văn học Ánh sáng (thế kỷ XVIII), quan niệm này không thích hợp nữa, do sự xuất hiện của một thể loại mới, được coi là “thể loại bậc trung”, đó là “kịch thị dân”, hình thức đầu tiên của chính kịch.
Hài kịch, như trên đã nói, hướng vào sự cười nhạo cái xấu xa, lố bịch đối lập với lí tưởng xã hội hoặc chuẩn mực đạo đức. Nhân vật của hài kịch thường không có sự tương xứng giữa thực chất bên trong với danh nghĩa bên ngoài của mình nên đã trở thành lố bịch. Các tính cách trong hài kịch thường được mô tả một cách đậm nét, cận cảnh và ở trạng thái tĩnh, nhất là những nét gây cười. Phạm vi phản ánh của hài kịch hết sức rộng lớn: từ những vấn đề chính trị – xã hội đến những thói xấu trong sinh hoạt hằng ngày. Trong hài kịch cũng có thể mô tả nỗi đau khổ của con người, song chỉ có thể cho phép ở mức độ nhất định sao cho nỗi đau không lấn át cái cười để từ đó hài kịch chuyển thành chính kịch.
Hài kịch ra đời rất sớm, gần như đồng thời với bi kịch. A-ri-xtô-phan (khoảng 445 – khoảng 385 TCN) – nhà viết kịch Hi Lạp được coi là “cha đẻ” của hài kịch.
Do nội dung, tính chất, cung bậc của tiếng cười, hài kịch chia thành nhiều tiểu loại khác nhau như hài kịch tính cách, hài kịch tình huống, hài kịch sinh hoạt, hài kịch trào phúng,…
Cho đến nay những tác phẩm của nhà hài kịch vĩ đại người Pháp Mô-li-e (1622 – 1673) được coi là hình thức cổ điển của thế loại hài kịch.
Cũng giống như trường hợp của bi kịch, ngày nay hài kịch không còn giữ được những phẩm chất thuần túy, riêng biệt về mặt thể loại nữa.