Hát ví là một loại dân ca trữ tình vùng Nghệ – Tĩnh đặc biệt thịnh hành ở các làng xã thuộc vùng trung lưu và hạ lưu sông Cả (sông Lam) và các con sông ở phía nam sông Cả (như sông La ở Đức Thọ, sông Đò Bài ở Can Lộc, sông Cầu Cày ở Thạch Hà,…) Phần sau của câu hát ví được làm theo thể thơ lục bát (chính thể hoặc biến thể). Ví dụ :
1. Muối mặn ba năm muối đương còn mặn
Gừng cay chín tháng gừng hãy còn cay
Đôi ta tình nặng ngãi dày
Dù có xa nhau ba vạn sáu ngàn ngày cũng nỏ (chẳng) quên.
2. Ai biết nước sông Lam răng là trong, răng là đục
Thì mới biết cuộc đời răng là nhục, là vinh
Thuyền em lẽn thác xuống ghềnh
Nước non là ngãi là tình ai ơi
Hát ví Nghệ – Tĩnh có nhiều biến dạng mang sắc thái địa phương và nghề nghiệp như ví phường vải, ví đò đưa, ví phường cây, ví phường vàng, ví phường củi (ví trèo non), ví phường buôn,…
Thịnh hành và tiêu biểu nhất là ví phường vải (cũng được gọi là hát phường vải). Hát phường vải có nhiều ở các huyện của Nghệ – Tĩnh nhưng đặc biệt phát triển mạnh ở huyện Nam Đàn.
Hát phường vải có quy cách, thủ tục khá ổn định và chặt chẽ. Thông thường một cuộc hát phường vải được tiến hành theo ba chặng:
– Chặng thứ nhất: hát dạo, hát mừng, hát hỏi.
– Chặng thứ hai: hát đố, hát đối.
– Chặng thứ ba: hát xe kết, hát tiễn.