Hình tượng tác giả (tiếng Nga : obraz avtora) là phạm trù thể hiện cách tự ý thức của tác giả về vai trò xã hội và vai trò văn học của mình trong tác phẩm, một vai trò được người đọc chờ đợi. Chẳng hạn tác giả bài cáo, bài chiếu, tự thể hiện mình như một bậc đế vương, nhưng tác giả bài biểu, bài tấu phải thể hiện mình như một thần dân, tác giả thiên “sử ký” phải là một “sử công” đầy trách nhiệm khác với tác giả thiên “du ký”. Hình tượng tác giả trong tác phẩm văn học gắn với ý thức của tác giả về vai trò xã hội, tư thế văn học rất đa dạng của mình. Chẳng hạn, hình tượng người suy ngẫm và tu dưỡng đạo đức trong thơ Nôm Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm. Thơ Hồ Xuân Hương làm hiện lên một kiểu tác giả trữ tình khiêu khích, cợt nhả, lật tẩy, còn các khúc ngâm thể hiện một kiểu tác giả giãi bày oán thán trước cuộc đời. Hình tượng tác giả trong thơ ca cách mạng cận hiện đại của Phan Bội Châu, Tố Hữu là một người cổ vũ và người “dâng tất cả để tôn thờ chủ nghĩa”.
Cơ sở tâm lí của hình tượng tác giả là hình tượng “cái tôi” trong nhân cách mỗi người thể hiện trong giao tiếp. Cơ sở nghệ thuật của hình tượng tác giả trong văn học chính là tính chất gián tiếp của văn bản nghệ thuật: văn bản của tác phẩm bao giờ cũng là lời của người trần thuật, người kể chuyện hoặc nhân vật trữ tình. Nhà văn xây dựng một văn bản đồng thời với việc xây dựng ra hình tượng người phát ngôn văn bản ấy với một giọng điệu nhất định.
Hình tượng tác giả có tính chất loại hình sâu sắc, nhưng cũng mang đậm cá tính tác giả, khi vai trò của cá tính sáng tạo của “cái tôi” cá nhân được ý thức đầy đủ. Hình tượng một người “khao khát giao cảm” trong thơ Xuân Diệu, một người thích chơi ngông trong thơ Tản Đà, một nhà thông thái, nhân ái trong thơ Hồ Chí Minh,… đều gắn với kinh lịch, tu dưỡng, đời sống cá nhân của mỗi người.
Phạm tru hình tượng tác giả chẳng những cho phép nhận ra phong cách cá nhân, mà còn giúp tìm hiểu tính hệ thống của văn bản tác phẩm, mối quan hệ của nó với ý thức về vai trò xã hội và văn học của bản thân văn học.