Hứng (văn học)

Hứng là phương thức biểu hiện của thi ca, dựa trên cơ sở một trạng thái cảm xúc thẩm mỹ được hình thành và bột phát ra nhờ tác động của một cảnh vật hay sự việc nào đó. (Hứng nghĩa đen là “nổi lên, dấy lên, bộc lộ ra một cảm xúc nhất định.”)

Khi bỗng nhiên người ta thấy có một cảm hứng nào đó xuất hiện bất ngờ thì được gọi là ngẫu hứng (cảm hứng ngẫu nhiên). Trong ca dao có một kiểu cấu tứ được gọi là là thể hứng. Đó là cách sáng tác ca dao theo lối “đối cảnh sinh tình” (nêu cảnh vật, sự việc trước, bộc lộc tâm tư, tình cảm sau). Những bài ca dao làm theo thể hứng có thể chia thành ba loại khác nhau.

Loại thứ nhất, gồm những bài được làm theo lối liên tưởng (giữa cảnh và tình có mối liên hệ nhất định). Ví dụ :

– Trên trời có đám mây xanh

Ở giữa mây trắng xung quanh mày vàng

Ước gì anh lấy được nàng

Để anh mua gạch Bát Tràng về xây…

Loại thứ hai, gồm những bài được làm theo kiểu vừa liên tưởng, vừa so sánh (hứng kết hợp với tỉ).

Cơm trắng ăn với chả chim

Chồng đẹp vợ đẹp những nhìn mà no

Cơm hẩm ăn với cà kho

Chồng xấu vợ xấu những lo mà gầy.

Loại thứ ba, gồm những bài ca dao (được sáng tác theo kiểu “công thức”, câu đầu chỉ cốt khởi xướng để gây ngữ khí và lấy vần. Do đó giữa sự việc hay cảnh vật được nêu ở câu mở đầu với nội dung cảm nghĩ ở những câu sau không có mối liên hệ rõ rệt :

– Một đàn cò trắng bay tung

Bên nam bên nữ ta cùng hát lên.

– Trời mưa cho ướt lá dừa

Đôi ta be bé đi bừa đồng sau

Trời mưa cho ướt lá cau

Đôi ta be bé rủ nhau đi bừa.

* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 11:52 Sáng ngày 13/04/2017