Khổ thơ

Khổ thơ (tiếng Anh : stanza) là sự kết hợp của các câu thơ thành từng nhóm, thống nhất với nhau về vần, nhịp, cú pháp, ngữ điệu. Mỗi khổ thơ được kết thúc bằng một khoảng nghỉ dài. Trong bản in giữa các khổ thơ đánh dấu bằng một khoảng cách lớn hơn khoảng cách giữa hai dòng chữ.

Yếu tố quan trọng nhất trong khổ thơ là sự thống nhất giữa các câu thơ về vần. Trong khổ thơ thường có một vần. Nếu thay đổi vần, bài thơ sẽ chuyển sang khổ khác.

Nhịp cũng được thống nhất trong khổ thơ chứa đựng một cách ngắt nhịp. Chính vì thế giữa các khổ thơ có thể có sự thay đổi về nhịp.

Khổ thơ bao giờ cũng trọn vẹn về cú pháp. Câu thơ có thể bỏ lửng để rồi được nối tiếp bằng những câu sau, song không thể có sự “bắc cầu” giữa các khổ thơ.

Về ngữ điệu, có sự thay đổi trong toàn bộ khổ thơ từ câu đầu đến câu cuối, song phải thể hiện được dấu hiệu kết thúc khổ thơ. Trong đa số trường hợp, kết thúc khổ thơ là sự “hạ giọng”.

Các khổ thơ có số lượng câu thơ khác nhau. Khổ ít nhất cũng có hai câu thơ.

Khó có thể tìm được giới hạn tối đa về số lượng câu thơ trong một khổ thơ. Tác phẩm Ép-ghê-nhi Ô-nhê-ghin của Pu-skin có khổ thơ gồm tới mười bốn câu. Ở nước ta thơ ca cổ điển hầu như không chia khổ. Có ý kiến cho rằng trong ngâm khúc, mỗi bốn câu song thất lục bát tự tạo thành một khổ. Song giữa các khổ không có khoảng cách. Từ thời cận đại, với thơ của Tản Đà người ta mới thấy có sự chia khổ, như Hầu Trời, Thăm mả cũ bên đường,… Trong thơ Việt Nam khổ thơ bốn câu là hiện tượng khá phổ biến. Ngoài ra cũng có khổ thơ sáu câu, hoặc số câu không đều nhau.

Khổ thơ thường biểu hiện một ý chưa hoàn chỉnh, nó nằm trong hệ thống cấu tứ của toàn bài. Khi khổ thơ biểu thị một ý hoàn chỉnh thì trùng với đoạn thơ.

* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 2:02 Sáng ngày 16/04/2017