Ký (tiếng Nga : ocherk, tiếng Pháp : essai ; reportage) là một loại hình văn học trung gian, nằm giữa báo chí và văn học, gồm nhiều thể, chủ yếu là văn xuôi tự sự như bút ký, hồi ký, du ký, phóng sự, ký sự, nhật ký, tùy hút ,… Do tính chất trung gian mà có người liệt ký vào cận văn học.
Không nên căn cứ vào cách gọi tên của nhà văn đối với tác phẩm để xác định thể loai. Chẳng hạn Tây sương ký của Vương Thực Phủ thực ra là một vở kịch, Tây du ký của Ngô Thừa Ân là tiểu thuyết, Nhật ký người điên của Lỗ Tấn là truyện ngắn. Ký có đặc trưng riêng, do nội dung và quan điểm thể loại của ký quy định.
Ký không nhằm vào việc miêu tả quá trình hình thành tính cách của các cá nhân trong tương quan với hoàn cảnh. Những câu chuyện đời tư khi chưa nổi lên thành các vấn đề xã hội cũng không phải là đối tượng quan tâm của ký. Đối tượng nhận thức thẩm mỹ của ký thường là một trạng thái đạo đức – phong hóa xã hội (thể hiện qua những cá nhân riêng lẻ), một trạng thái tồn tại của con người hoặc những vấn đề xã hội nóng bỏng. Vì thế, có nhiều tác phẩm ký rất gần gũi với truyện ngắn. Nhưng khác với truyện ngắn, truyện vừa, đặc biệt là tiểu thuyết, ký có quan điểm thể loại là tôn trọng sự thật khách quan của đời sống, không hư cấu. Nhà văn viết ký luôn chú ý đảm bảo cho tính xác thực của hiện thực đời sống được phản ánh trong tác phẩm. Ký thường không có cốt truyện có tính hư cấu. Sự việc và con người trong ký phải xác thực hoàn toàn, có địa chỉ hẳn hoi. Đó là vì ký dựng lại những sự thật đời sống cá biệt một cách sinh động, chứ không xây dựng các hình tượng mang tính khái quát. Tính khái quát do tác giả ký thể hiện bằng suy tưởng.
Ký ra đời rất sớm trong lịch sử văn học của nhân loại. Nhưng phải đến thế kỷ XVII, đặc biệt từ thế kỷ XIX, khi đời sống lịch sử của các dân tộc ngày càng phát triển theo hướng tăng tốc, khi kĩ nghệ in ấn và báo chí phát triển, văn học mở cửa, xé rào để thâm nhập vào các lĩnh vực hoạt động tinh thần khác, nhà văn ngày càng có ý thức tham gia trực tiếp vào những cuộc đấu tranh xã hội, ký mới thực sự phát triển mạnh mẽ.
Trong văn học Việt Nam từ sau Cách mạng tháng Tám, ký giữ một vai trò đặc biệt quan trọng. Nhiều tác phẩm ký có giá trị lần lượt xuất hiện, góp phần tạo nên bộ mặt đa dạng của đời sống văn học. Những tác phẩm ấy đã phản ánh kịp thời, nhiều mặt của hiện thực đời sống bề bộn, phong phú, xứng đáng là “bộ đội tiền tiêu” của văn học nghệ thuật.
Giữa cuộc sống đầy biến động hiện nay, thời đại của thông tin trong đó có thông tin nghệ thuật, ký lại càng có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Tuy nhiên, cần thấy rằng, giữa ký văn học và ký báo chí còn là một khoảng cách khá rõ. Người viết ký cần phấn đấu bền bỉ để cho nhiều tác phẩm ký báo chí trở thành ký văn học, trở thành những tác phẩm ký có sức sống bền lâu trong đời sống văn học.