Lạ hóa (tiếng Nga : ottrannenie) là toàn bộ những thủ pháp trong nghệ thuật (nghịch dị, nghịch lí,…) được dùng để đạt đến một kết quả nghệ thuật, theo đó, hiện tượng được miêu tả hiện ra không phải như ta đã quen biết, hiển nhiên mà như một cái gì mới mẻ, chưa quen, “khác lạ”. Khái niệm “hiệu quả lạ hóa” do B. Brếch đưa vào mỹ học, căn cứ vào lí thuyết và thực tiễn sân khấu của ông. Theo Brếch, lạ hóa gây nên ở chủ thể tiếp nhận sự “ngạc nhiên và hiếu kỳ” trước một góc nhìn mới làm nảy sinh một thái độ tiếp nhận tích cực đối với cái thực tại được “lạ hóa” kia.
Khái niệm này cũng được trường phái hình thức Nga những năm 20 đầu thế kỷ XX (Sơ-clốp-xki, I-a-cu-bin-xki, Vi-nô-cua, I-a-cốp-xơn, Tư-nha-nốp,…) nêu lên. Họ coi lạ hóa như là một nguyên tắc nghệ thuật phổ quát thể hiện trong mọi cấp độ của cấu trúc nghệ thuật, có tác dụng phá vỡ tính tự động máy móc của sự cảm thụ bằng cách tạo ra một “cái nhìn mới” – “khác lạ”- đối với sự vật và hiện tượng quen thuộc chứ khôổng phải là “nhận ra” cái đã biết, tức là phá vỡ những “khuôn hình” đã quen ai người ta có thể nhận ra các ý nghĩa mới của sự vật và nhân sinh.