Lịch sử văn học (tiếng Pháp : histoire littéraire) còn gọi là văn học sử là bột bộ môn của khoa nghiên cứu văn học có nhiệm vụ nghiên cứu quá khứ của văn học, gồm quy luật sinh thành và phát triển của các hiện tượng và quá trình văn học diễn ra trong những điều kiện xã hội – lịch sử nhất định, chẳng hạn, tác phẩm, tác giả, thể loại, trào lưu, các giai đoạn đã qua của nền văn học dân tộc. Người ta cũng viết lịch sử văn học khu vực (như lịch sử văn học Mỹ La-tinh,…) nhưng bao giờ đó cũng là sự tổng hợp lịch sử văn học của các dân tộc. Hướng vào đối tượng chủ yếu là phương diện sinh thành của các hiện tượng văn học, lịch sử văn học còn chú ý cả đến sự phân đoạn (như lịch sử văn học thời Lý – Trần), sự phân dòng (như chủ nghĩa hiện thực phê phán ở Việt Nam, lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc,…), hoặc kết hợp cả hai (như thơ Đường, tiểu thuyết Việt Nam hiện đại,…). Ngoài ra, tiếp nhận văn học cũng có lịch sử của nó. Chẳng hạn lịch sử tiếp nhận Ham-lét, Đôn Ki-hô-tê, lịch sử tiếp nhận Truyện Kiều. Bên cạnh lịch sử vĩ mô như lịch sử văn học dân tộc, còn có lịch sử văn học vi mô như lịch sử sáng tạo tác phẩm cụ thể, lịch sử văn bản,…
Thông qua việc tái hiện diện mạo cá biệt những hiện tượng văn học cụ thể trong quá trình phát triển lịch sử, lịch sử văn học phải lý giải, làm sáng tỏ bản chất cũng như quy luật vận động của các hiện tượng ấy, tìm hiểu ý nghĩa của chúng đối với đời sống xã hội, xác đinh xem chúng có đóng góp gì mới về tư tưởng – nghệ thuật. Ở đây đòi hỏi phải có quan điểm lịch sử đúng đắn. Phải đặt hiện tượng văn học vào bối cảnh xã hội – lịch sử của nó, xem xét nó trong mối liên hệ qua lại với các hiện tượng văn hoá – tinh thần khác, không đòi hỏi nó phải giải đáp tất cả mọi vấn đế đương thời đặt ra mà phải xem nó “đã làm được gì so với người đi trước”. Quan điểm lịch sử cũng đòi hỏi phải xem xét các hiện tượng văn học theo góc độ lợi ích của nhân dân lao động thời ấy và theo viễn cảnh tiến bộ của xã hội và nhân loại.