Nghiên cứu văn học (tiếng Đức : literaturwissenschaft’, tiếng Nga : Hteraturovedenie) còn gọi là khoa văn học hoặc khoa học về văn học.
Khoa học nghiên cứu các hiện tượng và quy luật trong sự tồn tại và phát triển của văn học. Đây là tên gọi chung cho nhiều bộ môn khoa học nghiên cứu văn học cụ thể tương đối độc lập. Theo truyền thống, khoa nghiên cứu văn học gồm có ba bộ môn chính: lý luận văn học, lịch sử văn học (hay văn học sử) và phê bình văn học. Mấy chục năm gần đây, môn phương pháp luận nghiên cứu văn học mới nảy sinh được quan tâm nhiều và phát triển khá nhanh.
Bộ phận quan trọng nhất của nghiên cứu văn học là thi pháp học, khoa học về cấu trúc của các tác phẩm và phức hợp tác phẩm, sáng tác của nhà văn, trào lưu văn học và thời đại văn học. Trên bình diện lý luận, thi pháp học cung cấp thi pháp học đại cương, tức khoa học về cấu trúc của bất cứ tác phẩm nào; trên bình diện lịch sử, thi pháp học lịch sử nghiên cứu sự phát triển của các cấu trúc nghệ thuật với các thành tố của chúng. Sự vận dụng thi pháp học cho phép phân tích tác phẩm cụ thể trong sự thống nhất nội dung tư tưởng, thẩm mỹ với hình thức. Phong cách học ngôn ngữ nghệ thuật cũng đóng vai trò quan trọng không kém trong nghiên cứu văn học. Ngoài ra tham gia vào nghiên cứu văn học còn có văn bản học, thư mục học, cổ văn tự học.
Là một ngành khoa học nhân văn, nghiên cứu văn học không tách rời với triết học, mỹ học, lịch sử tư tưởng, lịch sử xã hội, tâm lý học, xã hội học, giải thích học (nghiên cứu về sự cắt nghĩa các văn bản), phônclo học, ngôn ngữ học, ký hiệu học. Nghiên cứu văn học đã xuất hiện từ thời xa xưa. Thời cổ đại ở Trung Quốc, Ấn Độ, Hy Lạp,… người ta đã bàn đến các chức năng giáo dục, nhận thức, thẩm mỹ của văn học, xem xét đặc điểm các thể loại và tiến hành phân loại (A-ri-xtốt, Hô-ra-xơ, Khổng Tử, Lưu Hiệp,…). Thời trung đại, các quy phạm văn học cổ đại được xem là các chuẩn mực vĩnh hằng. Nghệ thuật thơ ca của N.Boa-lô (Pháp, thế kỷ XVII) là tập đại thành các tri thức lý luận văn học, thi pháp học châu Âu theo tinh thần quy phạm. Nửa cuối thế kỷ XVIII châu Âu mới có các cuốn lịch sử văn học đầu tiên của Ti-ra-bốt-xki (I-ta-li-a), Giôn-xơn (Anh). Sang đầu thế kỷ XX ở Trung Quốc, Việt Nam mới bắt đầu có các công trình văn học sử. Cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, ở châu Âu văn học mới được xem là một hiện tượng lịch sử và đa dạng, khắc phục quan niệm về các quy phạm nghệ thuật bất biến.
Từ nửa đầu thế kỷ XIX nghiên cứu văn học mới bắt đầu hình thành như một khoa học với ý nghĩa về phương pháp, trường phái. Đã xuất hiện phương pháp tiểu sử cửa X. Bơ-vơ, trường phái văn hoá lịch sử của H. Ten, trường phái thần thoại học, văn học so sánh, trường phái tâm lý học,… Sang thế kỷ XX, nghiên cứu văn học lại càng nở rộ với các “trường phái hình thức” của Nga, phân tâm học, chủ nghĩa cấu trúc trong văn học, “phê hình mới“, xã hội học văn học,…
Nghiên cứu văn học mác-xít có cơ sở trong các tư tưởng văn học của Mác, Ăng-ghen, Lê-nin, triết học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, đã hình thành từ cuối thế kỷ XIX và phát triển mạnh ở thế kỷ XX có vị trí quan trọng trong việc lý giải bản chất xã hội của văn học nghệ thuật cũng như các quá trình lịch sử của nó.