Nhân vật văn học là con người cụ thể được miêu tả trong tác phẩm văn học. Nhân vật văn học có thể có tên riêng (Tấm, Cám, chị Dậu, anh Pha), cũng có thể không có tên riêng như thằng bán tơ, một mụ nào trong Truyện Kiều. Trong truyện cổ tích, ngụ ngôn, đồng thoại, thần được đưa ra để nói chuyện con người. Khái niệm nhân vật văn học có khi được sử dụng như một ẩn dụ, không chỉ một con người cụ thể nào cả, mà chỉ một hiện tượng nổi bật nào đó trong tác phẩm. Chẳng hạn có thể nói: nhân dân là nhân vật chính trong Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc, đồng tiền là nhân vật chính trong Ơ-giê-ni Gơ-răng-đê của Ban-dắc.
Nhân vật văn học là một đơn vị nghệ thuật đầy tính ước lệ, không thể đồng nhất nó với con người có thật trong đời sống.
Chức năng cơ bản của nhân vật văn học là khái quát tính cách của con người. Do tính cách là một hiện tượng xã hội, lịch sử, nên chức năng khái quát tính cách của nhân vật văn học cũng mang tính lịch sử. Trong thời cổ đại xa xưa, nhân vật văn học của thần thoại, truyền thuyết thường khái quát năng lực và sức mạnh của con người (Nữ Oa đội đá vá trời, Lạc Long Quân và Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, các ông Tát Bể, Kể Sao, Đào Sông). Ứng với xã hội phân chia giai cấp, nhân vật của truyện cổ tích lại khái quát các chuẩn mực giá trị đối kháng trong quan hệ giữa người và người như thiện với ác, trung với nịnh, thống minh với ngu đần, …
Vì tính cách là kết tinh của môi trường, nên nhân vật văn học là người dẫn dắt độc giả vào các môi trường khác nhau của đời sống.
Nhân vật văn học còn thể hiện quan niệm nghệ thuật và lý tưởng thẩm mỹ của nhà văn về con người. Vì thế, nhân vật luôn gắn chặt với chủ đề của tác phẩm.
Nhân vật văn học được miêu tả qua các biến cố, xung đột, mâu thuẫn và mọi chi tiết các loại. Đó là mâu thuẫn nội tâm của nhân vật, mâu thuân giữa nhân vật này với nhân vật kia, giữa tuyến nhân vật này với tuyến nhân vật khác. Cho nên nhân vật luôn luôn gắn liến với cốt truyện. Nhờ được miêu tả qua xung đột, mâu thuẫn, nên khác với hình tượng hội họa và điêu khắc, nhân vật văn học là một chỉnh thể vận động, có tính cách được bộc lộ dần trong không gian, thời gian, mang tính chất quá trình.
Từ những góc độ khác nhau có thể chia nhân vật văn học thành nhiều kiểu loại khác nhau.
– Dựa vào vị trí đối vớ nội dung cụ thể, với cốt truyện của tác phẩm, nhân vật văn học được chia thành nhân vật chính và nhân vật phụ.
– Dựa vào đặc điểm của tính cách, việc truyền đạt lý tưởng của nhà văn, nhân vật văn học được chia thành nhân vật chính diện và nhân vật phản diện.
– Dựa vào thể loại văn học, ta có nhân vật tự sự, nhân vật trữ tình, nhân vật kịch.
– Dựa vào cấu trúc hình tượng, nhân vật được chia thành nhân vật chức năng (hay mặt nạ), nhân vật loại hình, nhân vật tính cách, nhân vật tư tưởng.
Cần lưu ý rằng đây là những thuật ngữ mới, đang được thử thách và nếu như mọi sự phân chia đều tương đối thì sự phân chia này mang tính chất rất tương đối. Các nhân vật văn học cụ thể trong thực tế văn học hết sức đa dạng, sự phân chia trên chỉ nhằm nhấn mạnh đặc trưng cơ bản, phục vụ một yêu cều nghiên cứu nhất định, xuất phát từ một trong nhiều góc độ tiếp cận các nhận vật văn học. Cần tránh thái độ máy móc khi khảo sát một nhân vật văn học cụ thể.