Phê bình mới (tiếng Anh: new criticism) là một khuynh hướng phê bình có lịch sử tồn tại gần nửa thế kỷ. Nó xuất hiện ở Anh, Mỹ vào những năm thứ mười của thế kỷ XX. Những người đầu tiên đặt nền tảng lý thuyết cho phê bình mới là I.A. Ri-sớc, nhà lý luận người Mỹ gốc Anh (1893 – 1981) và T. Ê-li-ốt, nhà thơ, nhà lý luận người Anh gốc Mỹ (1888 – 1965). Từ những năm 20, đến những năm 40 của thế kỷ XX, phê bình mới trở thành một trào lưu nghiên cứu văn học rầm rộ ở Mỹ, Anh và có ảnh hưởng rộng lớn ở Tây Âu. Hoạt động của phê bình mới trong thời kỳ này gắn liền với tên tuổi lẫy lừng của Gi.C. Ran-xơm (1888 – 1974), G.Brúc-xơ (1906 – 1994), R.P. Oa-ren. Năm 1941, Gi.C. Ran-xơm cho xuất bản cuốn sách có nhan đề Phê bình mới, thế là trường phái nghiên cứu, phê bình bấy lâu có được cái tên chính thức. Hàng loạt tác phẩm xuất hiện như Thượng đế không sấm sét (1930), Cơ thể thế giới (1938) của Gi.C. Ran-xơm, Lý giải thơ ca (1938), Lý giải tiểu thuyết (1943) của G. Brúc-xơ đã phát triển, mở rộng những tư tưởng của Ri-sớc và Ê-li-ốt. Từ những năm 50, phê bình mới tiếp tục đạt được một số thành tựu. R. Oen-léc là nhân vật tiêu biểu của phê bình mới ở giai đoạn này. Đến năm 1957, N. Phrai (1912 – 1991) người Ca-na-đa, xuất bản cuốn sách Giải phẫu phê bình đề xướng “việc nghiên cứu hệ thống đối với nguyên nhân của hình thức nghệ thuật” như là nguyên tắc chủ đạo của phương pháp loại hình, phương pháp phê bình “nguyên mẫu”, phong trào phê bình mới ở Âu Mỹ bị lu mờ dần.
Phê bình mới góp phần hình thành nhiều khái niệm quan trọng của thi pháp học hiện đại như “văn bản”, “ngộ nhận ý dồ”, “ngộ nhận cảm thụ”. Một loạt khái niệm khác do họ đề xướng cũng được lưu hành rộng rãi như khái niêm “mỉa mai” (irony) của C. Brúc-xơ, “mơ hồ” (ambiguity) của U. Em-pơ-sơn, “độ căng” (tension) của A. Tết- tơ, “kịch hóa” (dramatism) cùa C. Brúc-xơ, “thơ không thuần túy (impure poetry) của R.P. Oa-ren,… Gần nửa thế kỷ tồn tại, các nhà lập ngôn của phê bình mới đề xuất nhiều ý kiến hết sức phong phú, đa dạng. Nhưng nhìn chung, hê thống lý thuyết của họ có thể khái quát thành một số luận điểm chính như sau:
1. Cái quan trọng không phải là tác phẩm nói gì, mà là sự tồn tại và phương thức tồn tại của tác phẩm. Cho nên, đối tượng cần chiếm lĩnh của phê bình là phương thức tồn tại, là bình diện bản thể của tác phẩm văn học. Nguyên lý chung của phê bình mới là phân tích tác phẩm thuần túy như một khách thể, một văn bản khép kín, tách rời với hiện thực và đời sống nhà văn. Nó phủ nhận các phương pháp phê bình truyền thống của thế kỷ XIX, như phê bình ấn tượng, phê bình tiểu sử, phê bình văn hóa – lịch sử. Nó không thừa nhận lý tính, vai trò của chủ thể và cá tính sáng tạo. Nó phủ nhận việc tiếp cận tác phẩm từ hiện thực xã hội, tiểu sử nhà văn, ý đồ tác giả, xem làm như thế là dung tục, là “ngộ nhận ý dồ”, “ngộ nhận cảm thụ”. Đây là quan điểm phiến diện, nhưng việc phân tích tác phẩm tách rời mọi yếu tố bên ngoài có thể xem là một phép trừu tượng hóa nội dung để nghiên cứu hình thức nhằm khám phá “chất văn” của văn học. Về phương diện này, phê bình mới có công thúc đẩy sự phát triển của thi pháp học.
2. Trừu tượng hóa nội dung để nghiên cứu hình thức, phê bình mới đề xuất khái niệm “hình thức hữu cơ” (organic form) để nhấn mạnh tính chỉnh thể hữu cơ của tác phẩm. Hình thức của một chỉnh thể hữu cơ như thế được nảy sinh trong tư tưởng, tỉnh cảm, giống như sự sống, khác xa với hình thức cơ giới, ngoại tại. Cho nên, “tác phẩm nghệ thuật luôn luôn phải được giải thích như một hệ thống hữu cơ của các quan hệ. Chất thơ không nên hiểu như một hay nhiều nhân tố rời rạc, chẳng liên quan gì với nhau. Cơ sở của hình thức hữu cơ là tư tưởng, tình cảm hiện diện hữu cơ trong tác phẩm.” (C. Brúc-xơ và R.P. Oa-ren, Lý giải thơ ca). Về nguyên tắc, để nghiên cứu văn bản tác phẩm như một bản thể, phê bình mới bác bỏ sự nhị phân nội dung và hình thức vẫn tồn tại trong mỹ học, phê bình văn học từ thời A-ri- xtốt cho đến Hê-ghen và cả lý luận văn học sau.
3. Nhiệm vụ quan trọng nhất của phê bình là “giải thích văn bản”. Văn học là sự vận dụng ngôn ngữ, là hình thức ngôn ngữ đặc thù. Cho nên, “giải thích văn bản” là giải thích những ẩn ý của ngôn từ cùng những quan hệ tinh tế vi diệu giữa chúng với nhau. Muốn vậy, nhà phê bình phải tuân thủ nguyên tắc “đọc chậm”, đọc kỹ văn bản, chỉ cốt tìm chất văn, không nhằm tìm tác giả và tư tưởng tác giả. Chẳng những thế, phê bình mới chủ trương “sáng tạo ra tác giả”. Thành công đáng chú ý về mặt này của phê bình mới là việc khám phá ra “tính mơ hồ, đa nghĩa của văn học”. Nhưng cũng chính vì thế, nhược điểm của nó là ít có khái quát lớn về lý luận và lịch sử văn học.