Phê bình văn học

Phê bình văn học (tiếng Pháp: critique littéraire) là sự phán đoán, phẩm bình, đánh giá và giải thích tác phẩm văn học. Phê bình văn học vừa là hoạt động, vừa là một bộ môn khoa học về văn học.

Phê bình văn học vừa tác động tới sự phát triển của văn học, vừa tác động tới độc giả, góp phần hình thành thị hiếu thẩm mỹ cho quảng đại quần chúng.

Là một môn khoa học, phê bình văn học nhận thức các khuynh hướng vận động của văn học đương đại, tìm kiếm chỗ làm bàn đạp cho văn học đi tới, khám phá những nhân tố nghệ thuật có khả năng mở rộng ra một quá trình văn học mới và chỉ ra nhược điểm trong sáng tác so với nhu cầu của thời đại và của bản thân văn học.

Xét từ góc độ lịch sử, phê bình văn học là một sự tự ý thức của văn học. Do đó diện mạo của phê bình văn học không ngừng biến đổi cùng với sự biến đổi và phát triển của văn học.

Cả văn học lẫn phê bình văn học đều xuất hiện từ thời xa xưa trong lịch sử văn hoá của nhân loại. Nhưng trước thế kỷ XVII, trên phạm vi toàn thế giới, phê bình văn học chưa trở thành lĩnh vực hoạt động xã hội đặc thù. Nghiên cứu nghệ thuật ngôn từ lúc bấy giờ được xem như công việc của hai bộ môn Ngữ văn – Triết học bất phân.

Từ ngữ văn và triết học, những mầm mống đầu tiên của phê bình văn học xuất hiện dưới dạng những công trình mang dáng dấp của một “thể loại” đặc biệt, trong đó tác giả tập trung phân tích tác phẩm văn học như những văn bản cụ thể, nhằm chỉ ra cho nghệ sĩ cách thức viết văn.

Ở đây, nhà phê bình chỉ cần biết đến văn và khi phân tích văn bản, ngoài ý nghĩa luân lí, người ta cần biết tới “thần cú”, “nhãn tự” với những luật lệ nghiêm ngặt của thể văn, phê bình văn học vì thế thường tập trung đánh giá, bình phẩm hơn là phân tích, nghiên cứu toàn bộ những mối liên hệ bên trong và bên ngoài hết sức phức tạp của sáng tác nghệ thuật. Đó chính là lối phê bình văn học kiểu cổ tương ứng với hình thức tồn tại như tổng số giản đơn của những tác phẩm riêng lẻ.

Đến thế kỷ XVII, đặc biệt từ thế kỷ XVIII, phê bình văn học trở thành lĩnh vực hoạt động xã hội đặc thù. Quan hệ giữa phê bình văn học với văn học và công chúng nghệ thuật ngày càng trở nên phức tạp.

Văn học phát triển trong mối quan hệ tương tác vô cùng phức tạp giữa các khuynh hướng, trào lưu, trường phái. Tương ứng với hình thức tồn tại và phát triển của văn học, phê bình văn học cũng có các khuynh hướng, trào lưu, trường phái của mình. Các trào lưu, trường phái phê bình văn học thường xuyên tiến hành các cuộc đấu tranh văn học, tổ chức ra các trào lưu, khuynh hướng nghệ thuật, tuyên bố về sự mở đầu hay kết thúc một giai đoạn văn học.

Điều đó chứng tỏ, phê bình văn học hiện đại là bộ phận lập pháp về phương diện lí luận cho sáng tác, là nhân tố tổ chức của quá trình văn học. Nó tác động tới đời sống văn học qua vai trò tổ chức của mình. Nó giải thích tác phẩm văn học, kêu gọi nhà văn sáng tạo ra những giá trị nghệ thuật mới theo hệ thống quan điểm xã hội – thẩm mỹ do nó thiết lập. Với ý nghĩa ấy, V. Bê-lin-xki gọi phê bình văn học là “mỹ học vận động”.

Khác với phê bình văn học kiểu cổ, phê bình văn học hiện đại không chỉ kiếm ý đẹp, lời hay trong tác phẩm văn học, mà còn nghiên cứu một cách toàn diện những mối liên hệ bên trong và bên ngoài hết sức phức tạp của sáng tác nghệ thuật để nhận thức sâu sắc hiện thực đời sống được tác phẩm phản ánh. Vì thế, V. Bê-lin-xki còn gọi phê bình văn học là sự tự nhận thức của thời đại.

* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 12:28 Sáng ngày 05/12/2019