Phúng dụ (tiếng Pháp: allégorie) là một hình thức chuyển nghĩa trong văn học, còn gọi là nói bóng hoặc ám chỉ. Các hình tượng hoặc hình ảnh kết hợp với nhau trong cấu trúc hoàn chỉnh để tạo sự liên tưởng tới ý nghĩa khái quát, trừu tượng trên cơ sở của ý nghĩa cụ thể.
Phúng dụ không thể cấu tạo từ một hình ảnh riêng biệt như ẩn dụ mà thường từ nhiều hình ảnh kết hợp với nhau. Ví dụ:
Ta về ta tắm ao ta
Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn.
(Ca dao)
Phúng dụ bao giờ cũng có hai nghĩa : nghĩa cụ thể và nghĩa trừu tượng. Nghĩa cụ thể chỉ là phương tiện để tạo liên tưởng. Nghĩa trừu tượng mới là mục đích. Câu ca dao trên khẳng định một quan niệm của người nông dân : không tham vọng cao xa mà bằng lòng với cuộc sống thực tại.
Nhiều trường hợp phúng dụ bao trùm toàn bộ tác phẩm, những truyện ngụ ngôn hoặc những tác phẩm có nội dung triết lí thường được xây dựng bằng một phúng dụ.
Ý nghĩa trừu tượng của phúng dụ có thể được hiểu theo những cách khác nhau. Ví dụ câu:
Lắm sãi không ai đóng cửa chùa.
Câu này có thể hiểu theo hai cách :
1) Phê phán ý thức vô trách nhiệm của con người ;
2) Chỉ hiện tượng có kẻ chơi mà không có người làm.