Ảnh hưởng văn học

Ảnh hưởng văn học (tiếng Pháp: influence) là mối quan hệ tác động qua lại giữa các nhà văn, các tác phẩm và các nền văn học.

Mô phỏng, đồng nguồn, vay mượn, phổ biến đều có quan hệ với ảnh hưởng nhưng chưa phải là đã ảnh hưởng thật sự. Sự mô phỏng tự nó chỉ mới chứng tỏ sự lặp lại, chạy theo con đường của người khác. Sự vay mượn cốt truyện, sử dụng tư liệu, ngôn ngữ cũng chưa phải là ảnh hưởng. Ảnh hưởng văn học chỉ xảy ra trong điều kiện có tiếp nhận và sáng tạo và chủ yếu thể hiện trên phương diện sáng tạo, làm ra tác phẩm mới, là cái tác động đem lại sự phong phú hay biến đổi về quan điểm thẩm mỹ hay cách tư duy nghệ thuật mà truyền thống văn học dân tộc của nhà văn không có, hoặc sự phát triển tự nhiên của tài năng nhà văn không dẫn đến. Chẳng hạn, ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn Pháp, đặc biệt là chủ nghĩa tượng trưng Pháp đã góp phần tạo thành những sáng tác thơ mới 1932 – 1945 ở Việt Nam.

Anh hưởng văn học là một quá trình, có thể tác đông tới các khâu khác nhau trong quá trình ảnh hưởng như gợi ý, thúc đẩy, làm cho giống, tiêu hóa biến dạng, thay đổi biểu hiện nghệ thuật,… Có ảnh hưởng văn học diễn ra toàn diện, có ảnh hưởng văn học giới hạn trong từng khâu. Kim Văn Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân có ảnh hưởng tới việc xuất hiện ý đồ tự sự của Nguyễn Du trong Truyện Kiều, nhưng không hoàn toàn ảnh hưởng tới quan niệm con người của Nguyễn Du.

Ảnh hưởng văn học có thể xảy ra trên những quy mô, trong những phạm vi khác nhau. Một giai đoạn hoặc một thời đại văn học có thế ảnh hưởng tới sáng tác của nhà văn thuộc nhiều giai đoạn, nhiều thời đại khác. Chẳng hạn văn học cổ đại Hi Lạp – La Mã từng ảnh hưởng sâu sắc tới văn học Phục hưng và hàng trăm năm sau lại có ảnh hưởng sâu sắc tới văn học cổ điển ở châu Âu. Sáng tác của một nhà văn thiên tài cũng có thể ảnh hưởng tới sáng tác của nhiều thế hệ nhà văn nối tiếp nhau. Nguyễn Du trong văn học Việt Nam, Pu-skin trong văn học Nga, Gớt trong văn học Đức là những ví dụ tiêu biểu. Các trào lưu, khuynh hướng, trường phái văn học cũng có thể ảnh hưởng qua lại với nhau.

Có loại ảnh hưởng văn học thuần túy mang tính chất cá nhân : ảnh hưởng qua lại giữa nhà văn này với nhà văn khác. Có loại ảnh hưởng văn học giới hạn trong nội bộ văn học của một dân tộc. Có loại ảnh hưởng văn học mở rộng trong phạm vi một vùng, một khu vực văn học của nhiều dân tộc có quan hệ gần gũi với nhau. Cuối cùng là những ảnh hưởng văn học mang quy mô toàn thế giới. Giao lưu văn hóa và sự tương đồng lịch sử là những nhân tố quan trọng bậc nhất để tạo ra những ảnh hưởng qua lại giữa các khu vực, các nền văn học của nhiều dân tộc khác nhau trong tiến trình chung của văn học nhân loại.

* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 11:34 Sáng ngày 13/04/2017