Aristarchus Samos (sinh khoảng 310 TCN – mất khoảng 230 TCN) Nhà thiên văn cổ Hy Lạp. Ông có quan niệm ngược với đương thời, ông cho rằng: Mặt Trời không chuyển động mà đứng yên ở trung tâm vũ trụ còn Trái Đất chuyển động xung quanh. Ông cũng cho rằng các sao đứng yên và được phân bố trên một mặt cầu bán kính rất lớn.
Tác phẩm duy nhất còn lại đến ngày nay của Aristarchus là: “Về kích thước và khoảng cách của Mặt Trời và Mặt Trăng”. Trong đó ông đã xác định được khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trời lớn hơn từ 18 đến 20 lần khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trăng, mặc dầu tỷ lệ này còn bé gấp 20 lần so với thực tế, nhưng phương pháp mà ông sử dụng thực chất là phương pháp gián tiếp đầu tiên để xác định khoảng cách đến các thiên thể theo các số liệu quan sát. Thời đại của ông mà có quan điểm nhật tâm là rất dũng cảm. Ông bị kết tội là tà đạo và buộc phải chạy khỏi Aten. Enghen gọi Aristarchus Samos là Copernic của thế giới cổ đại.