Nghệ thuật (tiếng Anh, Pháp : art, tiếng Nga : iskusstvo) là hình thái đặc thù của ý thức xã hội và của các hoạt động con người, một phương thức quan trọng để con người chiếm lĩnh các giá trị tinh thần của hiện thực, nhằm mục đích tạo thành và phát triển các năng lực chiếm lĩnh và cải tạo bản thân và thế giới xung quanh theo quy luật của cái đẹp.
Khác các hình thái ý thức và hoạt động xã hội khác (như khoa học, chính tri, đạo đức,…), nghệ thuật thỏa mãn nhu cầu có tính vạn năng của con người là cảm thụ thế giới xung quanh dưới các hình thái đã phát triển của năng lực cảm nhận mang tính người. Đó là năng lực cảm nhận thẩm mỹ đặc trưng, chỉ có ở con người đối với các hiện tượng, sự thật, biến cố của thế giới khách quan với tư cách là “chỉnh thể cụ thể sống động” (Mác).
Nghệ thuật phát sinh và hình thành trên cơ sở lao động, nhưng một khi ra đời, nghệ thuật hình thành và hoàn thiện ở con người một năng lực cảm nhận vạn năng mà nó có thể vận dụng vào mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội – khoa học, chính trị, sinh hoạt,… Vì vậy, tác phẩm nghệ thuật có thể “hình thành một công chúng biết hiểu nghệ thuật và có năng lực hưởng thụ vẻ đẹp” (Mác).
Nghệ thuật thống nhất trong bản thân nó tất cả mọi hình thức hoạt động và nhận thức thể hiện mối quan hệ của cá nhân đối với thế giới và đối với bản thân mình. Nghệ thuật giúp cho con người có năng lực tự cảm thấy mình trong sự hài hòa của thế giới và cảm nhận được ý nghĩa của thế giới trong sự phát triển nhân cách toàn vẹn của mình. Chính cái chức năng hình thành và hoàn thiện năng lực cảm nhận vạn năng này đã quy định các đặc trưng khác của nghệ thuật : hướng tới đối tượng trong tính toàn vẹn, sinh động ; chủ thể, cá thể với toàn bộ năng lực của nhân cách và tâm hồn ; hình thức hình tượng, tính chất truyền cảm, giao tiếp. Các phương diện chức năng cụ thể như nhận thức, giáo dục, thỏa mãn mỹ cảm gắn bó với nhau trong bản chất của nghệ thuật.
Đời sống xã hội là cội nguồn nội dung của nghệ thuật, quy dịnh mối liên hệ qua lại giữa nghệ thuật với các hình thái ý thức xã hội khác như chính trị, khoa học, triết học, đạo đức,… Trong xã hội có giai cấp, nghệ thuật có tính giai cấp, tính đảng.
Trong tiến trình lịch sử phát triển khách quan của nghệ thuật, do tính đa dạng của các quá trình và các hiện tượng trong thực tại, do sự khác biệt của những phương thức, phương tiện cũng như nhiệm vụ phản ánh thẩm mỹ và cải tạo hiện thực, do nhu cầu nhiều mặt của con người, đã hình thành các loại hình nghệ thuật khác nhau.