Bi ca

Bi ca (tiếng Anh: elegy) là thể thơ trữ tình phương Tây có quy mô trung bình, nội dung giàu chất trầm tư hoặc cảm xúc, thường là buồn thảm, được diễn đạt phần lớn bằng ngôi thứ nhất và kết cấu không theo một khuôn mẫu rõ ràng.

Bi ca ra đời ở Hi Lạp vào thế kỉ VII tr. CN, lúc đầu có nội dung chính trị đạo dức là chủ yếu. Về sau trong thơ ca Hi Lạp và La Mã (kể riêng bi ca) đề tài tình yêu chiếm ưu thế.

Hình thức bi ca cổ đại là thơ hai câu. Trong thời Trung đại và Phục hưng, bi ca viết bằng tiếng La-tinh cũng bắt chước khuôn mẫu này. Đến thế kỉ XVI – XVIII, bi ca được viết bằng ngôn ngữ mới của các dân tộc châu Âu và có những tác giả nổi tiếng như Rông-xa (1524 – 1585, Pháp), E. Xpen-ce (1552 – 1599, Anh),… Tuy vậy, trong suốt một thời gian dài, bi ca vẫn bị coi là thể loại hạng nhì. Bước sang thời tiền lãng mạn và lãng mạn, bi ca mới đạt đến mức độ phát triển cao, gắn liền với tên tuổi nhiều nhà thơ lớn như Gớt (17491 1832, Đức), La-mác-tin (1790 – 1869, Pháp), Giu-cốp-xki (1783 – 1852. Nga) và A. Pu-skin (1799 – 1837, Nga). Nhưng rồi sau đó bi ca mất dần tính chất đặc trưng về mặt hình thức thể loại, tuy đặc trung nội dung vẫn còn xác định, nên thuật ngữ bi ca còn sử dụng để chỉ một truyền thống nội dung. Vào nửa sau thế kỉ XIX và thế kỉ XX, thuật ngữ bi ca chỉ dùng như tên gọi của một “chùm” (hoặc hệ) bài thơ nào đó, hoặc những bài thơ riêng lẻ có nội dung buồn thảm.

Ở Việt Nam, có thể tìm thấy chất bi ca trong các khúc “ngâm”, “vãn” và nhiều bài thơ mới lãng mạn của Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Huy Cận,…

Chuyên mục: Văn hóaVăn học. Thẻ: Thuật ngữ văn học.
* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 11:33 Sáng ngày 13/04/2017