Bi hài kịch

Bi hài kịch (tiếng Pháp : tragi – comédie) là thể loại văn học sân khấu mà tác phẩm mang những nét đặc trưng vừa của bi kịch, vừa của hài kịch. Nó là hình thức trung gian giữa bi kịch và hài kịch, nhưng về mặt thể loại khác với chính kịch (còn gọi là kịch đram). Cơ sở xã hội – thẩm mĩ của sự hình thành bi hài kịch là cảm giác về tính tương đối trong sự cảm thụ thực tại khách quan của nhà văn. Nó thường nảy sinh vào những thời điểm bước ngoặc của lịch sử và được coi là dấu hiệu của sự khủng hoảng tinh thần. Khái niệm bi hài kịch lần đầu tiên được một nhà viết hài kịch La Mã cổ đại sử dụng với ý nghĩa là trong các nhân vật hài kịch của ông sẽ có cả các vị thần vốn thường chỉ xuất hiện trong các bi kịch. Đến thời Phục hưng, nội dung khái niệm này được mở rộng hơn. Tất cả các vở kịch trong đó có sự phá vỡ các quy tắc định sẵn của bi kịch hoặc hài kịch cổ đại, chẳng hạn có sự pha trộn các nhân vật cao cả với thấp hèn, sự xen kẽ giữa những pha nghiêm túc với pha gây cười, hoặc hành động bi kịch được kết thúc có hậu (và đây là nét duy nhất bắt buộc phải có), đều được gọi là bi hài kịch. Cách hiểu này đến thế kỷ XVI còn được áp dụng. Vì thế năm 1636, Coóc-nây đã gọi vở kịch Lơ Xít của minh là bi hài kịch bởi lẽ đó là một vở bi kịch điển hình nhưng lại kết thúc có hậu. Từ thế kỷ XVII trở đi, yếu tố bi hài kịch chỉ biểu hiện một cách ngẫu nhiên, không còn là những nét đặc trưng bền vững của tác phẩm thuộc một thể loại “thuần túy” độc lập nữa. Đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nguyên lí bi hài kịch lại bắt đầu chiếm ưu thế trên kịch trường châu Âu với các tác phẩm xuất sắc của Íp-xen (1828 – 1906, Na Uy) và Sê-khốp (1860 – 1904, Nga) như Con vịt giời, Cậu Va-ni-a, Vườn anh đào,… Chúng được coi là cội nguồn của bi hài kịch hiện đại. Bi hài kịch hiện đại chú trọng vào việc tạo ra trạng thái xúc động mang tính bi hài kịch dựa trên cơ sở không tương xứng giữa nhân vật với tình huống. Tình huống trong bi hài kịch phần lớn là bi, còn nhân vật lại không đạt tới tính hoàn thiện và chủ nghĩa cực đoan của nhân vật bi kịch, thậm chí nhiều khi trở thành nhân vật hài kịch nữa. Nhân vật chính của bi hài kịch phụ thuộc vào hoàn cảnh và thường đóng vai vật hi sinh của biến cố và số mệnh. Trong bi hài kịch hiện đại ít gặp trường hợp ngược lại là nhân vật bi kịch với tình huống hài kịch.

Xung đột trong bi hài kịch thường bắt nguồn từ tính không quyết đoán bên trong của nhân vật. Vở kịch thường kết thúc không dứt điểm và buộc khán giả phải suy nghĩ tiếp đến cùng.

Ở nước ta, chưa thấy có một vở kịch nào được xây dựng theo đúng những nguyên tắc thi pháp trên đây của bi hài kịch như một thể loại “thuần túy” độc lập.

Chuyên mục: Văn hóaVăn học. Thẻ: Thuật ngữ văn học.
* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 11:21 Chiều ngày 24/04/2017