Bi kịch

bi kịch (tiếng Pháp: tragédie)

Một thể của loại hình kịch, thường được coi như là đối lập với hài kịch.

Bi kịch phản ánh không phải bằng tự sự mà bằng hành động của nhân vật chính, mối xung đột không thể điều hoà được giữa cái thiện và cái ác, cái cao cả và cái thấp hèn,…

diễn ra trong một tình huống cực kì căng thẳng mà nhân vật thường chỉ thoát ra khỏi nó bằng cái chết bi thảm gây nên những suy tư và xúc động mạnh mẽ đối với công chúng. Theo A-ri-xtốt (384 – 322 tr. CN), bi kịch là “Sự bắt chước hành động hệ trọng và trọn vẹn” nhằm “dùng hành động chứ không phải bằng kể chuyện, bằng cách gây nỗi xót thương và nỗi sợ hãi để thực hiện sự thanh lọc những nỗi xúc động tương tự” (Nghệ thuật thi ca, chương 6). Như vậy, bi kịch sẽ không còn là bi kịch nữa nếu người xem không bị rung động bởi nhân vật và nếu toàn bộ nỗi xúc động và khiếp sợ không dẫn đến được một giải quyết nào đó về tình cảm theo hướng tích cực. Nhân loại tìm thấy ở các tác phẩm bi kịch những gì khủng khiếp mà cái ác có thể gieo rắc, áp đặt cho mình, do đó không thể bàng quan và chịu khuất phục trước sức mạnh tàn bạo của nó được. Kết thúc bi thảm của số phận nhân vật bi kịch thường có ý nghĩa thức tỉnh, dự báo về một cái gì đó tốt đẹp hơn sẽ nảy sinh trong cuộc sống và trong mỗi con người. Trong bi kịch, qua cái chết của nhân vật chính, người ta tìm thấy cái thiêng liêng vô giá của sự sống chân chính và cái bất tử của cộng đồng. Vì thế, nhân vật chính của bi kịch thường là những nhân vật anh hùng với ý nghĩa tích cực cao cả.

Bi kịch ra đời rất sớm ở Hi Lạp cổ đại, bắt nguồn từ những nghi lễ thờ cúng thần rượu nho Đi-ô-hi-dốt. Ở dây, vào thế kỷ V tr. CN, bi kịch đã là một thể loại sân khấu rất thịnh hành với những tác giả nổi tiếng như Ét-si-lơ, Xo-phô-cơ-lơ, Ơ-ri-pít và những tác phẩm bất hủ còn lưu giữ được đến nay như Prô-mê-tê bị xiềng, Ăng-ti-gôn, Ô-ne-xtơ,… Từ bấy đến nay, bi kịch đã trải qua nhiều bước thăng trầm và không ngừng đổi mới về hình thức và nội dung nghệ thuật để ngày một hoàn thiện hơn về mặt thể loại và đáp ứng được ngày một tốt hơn nhu cầu xã hội – thẩm mĩ của công chúng ở các thời đại khác nhau.

Vào thể kỉ XVI – XVII, ở một số nước châu Âu như Anh, Pháp,… bi kịch là thể loại văn học – sân khấu rất thịnh hành gắn liền với tên tuổi các tác giả lớn như Sếch-xpia (1564 – 1616), Coóc-nây (1606 – 1684) và những tác phẩm tiêu biểu như : Ham-lét, Ô-te-lô, Lơ Xít, O-ra-xơ, An-đrô-mác,… Từ thế kỷ XVIII trở di, bi kịch phát triển theo chiều hướng khác nhau và không còn bị ràng buộc chặt chẽ với các nguyên tắc thi pháp cổ điển của nó nữa. Ở Việt Nam, không có bi kịch như một thể loại văn học – sân khấu theo quan niệm cổ điển, chỉ có một số vở tuồng hoặc kịch hiện đại mà nội dung tư tưởng nghệ thuật có chứa đựng yếu tố bi kịch. Có thể coi vở Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tường là một ví dụ.

* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 11:20 Chiều ngày 24/04/2017