Biền ngẫu

Biền ngẫu là hình thức cấu trúc của một loại văn chương cổ xưa có cội nguồn từ Trung Quốc (được gọi là biền văn), trong đó lấy đối làm nguyên tắc cơ bản, tạo cho lời văn sự nhịp nhàng cân đối.

Văn biền ngẫu có năm đặc điểm. Một là ngôn ngữ đối ngẫu. Theo nghĩa từ nguyên, biền là “hai con ngựa chạy song song với nhau” và ngẫu là “chẵn đôi”. Biền ngầu là cách nói hình tượng hóa, chỉ một thể văn, trong đó có các câu văn sóng đôi dối nhau từng cặp. Hai là kiểu câu chỉnh tề : câu 4 chữ đối với câu 4 chữ, câu 6 chữ đối với câu 6 chữ, hoặc câu 4/4 và câu 6/6 đối nhau ; ba là có vần điệu hài hòa. Bốn là sử dụng điển cố ; năm là từ ngữ bóng bảy, khoa trương. Trong các đặc điểm trên yêu cầu đối là quan trọng nhất.

  • Đối ý : Phải tìm được hai ý liên quan với nhau nhưng lại đối nhau để đặt thành hai vế trong câu, hai ý này có thể trái ngược nhau hoặc thuận chiều với nhau. Ví dụ :

Đến nay nước sông tuy vẫn chảy hoài

Mà nhục quân thù không rửa nổi

(đối lưu thủy)

Thuyên bè muộn đội, tinh kì phấp phới,

Hùng hổ ba quân, giáo gươm sáng chói

(đối tương đồng)

(Trương Hán Siêu, Bạch Đằng giang phú,
dịch từ nguyên tác Hán văn)

– Đối thanh : nghịch đối (trắc đối với bằng).

– Đối từ : đối theo nghĩa (cũng có thuận đối và nghịch đối).

– Đối từ loại: thực từ đối với thực từ, hư từ đối với hư từ.

bien ngau

Văn Biền Ngẫu

Văn biền ngẫu có quá trình phát triển lâu đời ở Trung Quốc. Thời Ngụy Tấn Nam Bắc triều (220 – 589) là thời kì thịnh đạt của văn biền ngẫu. Đặc biệt thời Nam Đắc triều, biền văn chiếm một vị trí rất quan trọng trong văn học, lấn át các loại văn khác như tản văn. Thời đó, biền ngẫu được coi là tứ lục, vì mỗi câu có hai vế, vế trên bốn chữ, vế dưới sáu chữ. Các thể văn như phú, cáo, hịch, văn tế,… đều được viết theo lối biền ngẫu.

Nhìn chung văn biền ngẫu chỉ chú trọng về hình thức. Nhược điểm lớn nhất của nó là rất gò bó trong việc diễn tả tư tưởng, tình cảm. Tuy nhiên, đối với những cây bút lão luyện, với cảm xúc mãnh liệt, cũng có thể tạo ra những bài văn hay như Biệt phú của Giang Yêm, Vu thành phú của Bão Chiếu,… thời Nam Bắc triều ở Trung Quốc, Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu, Bình Ngô đại cáo của Nguyên Trãi,… thời Trần, Lê ở Việt Nam.

* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 8:20 Chiều ngày 17/05/2017