Biện pháp nghệ thuật (tiếng Nga : priom) là những nguyên tắc thi pháp trong việc tổ chức một phát ngôn nghệ thuật (nguyên tắc xây dựng cốt truyện, quy tắc thể loại, nguyên tắc phong cách, thể thức câu thơ). Tuy nhiên trong nghiên cứu văn học, người ta thường nói đến biện pháp nghệ thuật khi xác định những hình thức mới hoặc khi nói đến việc sử dụng các biện pháp nghệ thuật đã ổn định, cố định vào mục đích mới. Do đó, biện pháp nghệ thuật nào nổi bật sẽ có ý nghĩa đáng kể, ví dụ : việc đưa các yếu tố kì ảo và nghịch dị vào cốt truyện “giống như thật” của tác phẩm hiện thực chủ nghĩa, toàn bộ các biện pháp nghệ thuật đặc thù của văn học “dòng ý thức”, việc sử dụng một cách khác thường các hình thức cú pháp và nhịp điệu trong thơ vào văn xuôi (ví dụ : cách dùng từ độc đáo, “lệch chuẩn” trong tùy bút Nguyễn Tuân),…
Bên cạnh những biện pháp nghệ thuật độc đáo của một tác giả hoặc một thời đại văn học nào đó, còn có những biện pháp nghệ thuật sáo mòn mà nhà văn thường muốn khắc phục.
Tuy vậy, trong văn học vừa có việc cải biến một cách có ý thức các biện pháp nghệ thuật truyền thống, lại vừa có việc kế thừa chúng cả ở cấp độ phong cách cá nhân, cả ở cấp độ “phong cách lớn” của một thời đại. Ví dụ : ở chủ nghĩa cổ điển việc bắt chước các mẫu mực được coi là tất yếu, làm khác đi sẽ bị coi là sai trái. Sự ổn định của các biện pháp nghệ thuật – nét đặc thù của một thời đại văn học – dẫn đến việc tạo nên các khuôn mẫu sẽ đưa tới thói học đòi. Các biện pháp nghệ thuật khuôn mẫu vốn có chức năng đặc biệt, đáng kể về mặt thẩm mĩ trong sáng tác dân gian.