Biến thể (tiếng Pháp : variante)
Hình thức phi chuẩn của bài thơ luật mà một vài yếu tố bên trong của nó đã vượt ra ngoài quy tắc thông thường của thể thơ đó, nhưng vẫn duy trì các nguyên tắc chủ yếu, không dẫn đến việc biến thành một thể thơ khác.
Chẳng hạn “lục bát gián thất” do hai câu bảy chữ được đưa lui sau hai câu sáu tám. Thể lục bát có các biến thể do thay đổi cách gieo vần ở vị trí vần bằng bằng vần trắc như :
Tò vò mà nuôi con nhện
Đến khi nó lớn nó quện nhau đi.
(Ca dao)
hoặc thay đổi vị trí gieo vần :
Núi cao chi lắm núi ơi
Núi che mặt trời chẳng thấy người thương.
(Ca dao)
Biến thể còn được xây dựng do việc thay đổi số chữ trong câu so với quy định. Ví dụ : thể thơ Đường luật thường có bảy chữ trong câu. Nhưng biến thể của nó có thể chen vào một câu sáu chữ :
Rồi, hóng mát thuở ngày trường
Hòe lục đùn đùn, tán rợp trương…
(Nguyễn Trãi)
Việc thay đổi nhịp điệu khác thường trong câu thơ có thể tạo ra biến thể, tuy nhiên trường hợp này không tiêu biểu.
Như vậy, biến thể thường gắn với những thể thơ có quy định tương đối chặt chẽ về vần, luật. Thể thơ tự do không có biến thể.
Cần phân biệt hiện tượng biến thể và hiện tượng vi phạm luật thơ. Biến thể là hiện tượng được mọi người thừa nhận, được phổ biến và có giá trị thẩm mĩ, còn vi phạm luật thơ thì ngược lại. Tất nhiên, đối với những thiên tài, khi cố tình vi phạm luật thơ lại gây được hiệu quả nghệ thuật độc đáo.