Biểu tượng

Biểu tượng (tiếng Pháp : représentation hoặc symbole)

Trong triết học và tâm lý học, biểu tượng là khái niệm chỉ một giai đoạn, một hình thức của nhận thức cao hơn cảm giác, cho ta hình ảnh của sự vật còn giữ lại trong đầu óc sau khi tác dộng của sự vật vào giác quan ta đã chấm dứt.

Biểu tượng như là thuật ngữ của mĩ học, lí luận văn học và ngôn ngữ học còn được gọi là tượng trưng, nó có nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Văn học phản ánh cuộc sống bằng hình tượng nghệ thuật. Đặc điểm cơ bản của hình tượng nghệ thuật là sự tái hiện thế giới, làm cho con người và cuộc sống hiện lên y như thật. Nhưng hình tượng cũng là hiện tượng đầy tính ước lệ. Bằng hình tượng, nghệ thuật sáng tạo ra một thế giới hoàn toàn mang tính biểu tượng. Cho nên, trong nghĩa rộng, biểu tượng là đặc trưng phản ánh cuộc sống bằng hình tượng của văn học nghệ thuật. Theo nghĩa hẹp, biểu tượng là một phương thức chuyển nghĩa của lời nói hoặc một loại hình tượng nghệ thuật đặc biệt có khả năng truyền cảm lớn, vừa khái quát được bản chất của một hiện tượng nào đấy, vừa thể hiện một quan niệm, một tư tưởng hay một triết lí sâu xa về con người và cuộc đời, như hình tượng “Đạm Tiên” trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, hình tượng “cây sồi” trong Chiến tranh và hòa bình của L. Tôn-xtôi, hay hình tượng “bò khoang” trong Phiên chợ Giát của Nguyễn Minh Châu. Loại biểu tượng là hình tượng nghệ thuật thể hiện tập trung nguyên tắc phản ánh hiện thực trong tính quan niệm, thông qua các mô hình đời sông của văn học nghệ thuật.

Là một phương thức chuyển nghĩa của lời nói, biểu tượng có quan hệ gần gũi với ẩn dụ, hoán dụ. Giống với hoán dụ, ẩn dụ, biểu tượng được hình thành trên cơ sở đối chiếu, so sánh các hiện tượng, đối tượng có những phương diện, khía cạnh, những đặc điểm gần gũi, tương đồng, nhằm làm nổi bật bản chất, tạo ra một ý niệm cụ thể, sáng tỏ về hiện tượng hay đối tượng đó. Các biểu tượng như “mùa xuân” (sức sống và tuổi trẻ), “cây liễu”, “cành liễu” (vẻ đẹp yểu điệu của người con gái), “thuyền” và “bến”, “hoa” và “bướm” (người con trai và người con gái) là những hình thức chuyển nghĩa được hình thành trên cơ sở như thế.

Tuy nhiên, giữa ẩn dụ, hoán dụ và biểu tượng vẫn có sự khác nhau về cơ bản. Thứ nhất, ẩn dụ và hoán dụ (nhất là những hoán dụ và ẩn dụ được dùng quen thuộc đến mức hễ nói đến vật đó là tự ta có thể suy ra chính xác điều được nói đến) đều mang ít hay nhiều ý nghĩa biểu tượng, nhưng biểu tượng không phải bao giờ cũng là những hoán dụ, ẩn dụ. Chẳng hạn, từ “mùa xuân” (tuổi trẻ và sức sống), “màu đỏ” (đấu tranh), “màu xanh” (hòa bình), “màu trắng” (tinh khiết), “màu tím” (thủy chung) dẫu không được sử dụng như một ẩn dụ, thì chúng vẫn có thể là những biểu tượng.Thứ hai, biểu tượng không loại bỏ ý nghĩa cụ thể, cảm tính của vật tượng trưng hoặc của hình tượng nghệ thuật. Trong khi đó, ẩn dụ và hoán dụ nhiều khi có khuynh hướng làm mờ ý nghĩa biểu vật, trực quan của lời nói. Chẳng hạn, chúng ta không thể tìm thấy ý nghĩa biểu vật của ẩn dụ “con tàu” trong bài thơ Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên. Trong thơ lãng mạn và thơ tượng trưng, do tất cả các loại ẩn dụ, nhất là loại ẩn dụ làm chuyển đổi cảm giác được sử dụng với mật độ dày đặc, nên ta càng khó nhận ra ý nghĩa biểu vật của hệ thống lời thơ. Thứ ba, do một ẩn dụ có thể dùng cho nhiều đối tượng khác nhau và một đối tượng cũng có thể diễn đạt bằng nhiều ẩn dụ, hoán dụ khác nhau (thuyền – bến, thuyền – biển, biển – bờ, mận – đào, núi Mường Hung – dòng sông Mã,…) nên người đọc phải tìm hiểu ý nghĩa của chúng trong ngữ cảnh cụ thể của từng văn bản. Khác với ẩn dụ, ý nghĩa của biểu tượng tồn tại cả ở ngoài văn bản mà chúng ta đang tiếp xúc. Bởi vì, quá trình tạo nghĩa của mỗi biểu tượng thường có lịch sử lâu đời hàng vạn năm, gắn liền với quá trình hình thành quan niệm về thế giới của con người cổ xưa. Từ thời tiền sử, có lẽ, cùng với sự xuất hiện của tiếng nói, các từ như trời, đất, sáng, tối, xuân, hạ, máu, lửa, sấm, chớp, cầu vồng,… đã ăn sâu vào trí não của nhân loại như những biểu tượng. Cho nên, thần thoại, truyền thuyết, ca dao, truyện cổ tích, văn học trung đại là những cái kho biểu tượng khổng lồ. Truyền thuyết về Lạc Long Quân và Âu Cơ sáng tạo ra biểu tượng “Rồng”, “Tiên”. Ca dao Việt Nam cũng sáng tạo ra những biểu tượng tuyệt vời như “con cò”, “con rùa”. Biểu tượng “con cò” gợi ra hình ảnh người nông dân một sương hai nắng, lặn lội trên đồng ruộng, dưới nắng mưa suốt tháng, quanh năm. “Con rùa” là biểu tượng của tính cách nhẫn nhục và thân phận của con người bị áp bức. Trong văn học trung đại phương Đông “tùng”, “cúc”, “trúc”, “mai” là những biểu tượng thể hiện khí phách của bậc chính nhân quân tử. “Quan san”, “biên tái” tượng trưng cho sự xa cách nghìn trùng, “làn thu thủy”, “khóe thu ba” là con mắt người đẹp, “bến đò”, “dòng sông”, “dặm liễu”, “đường hòe” là nơi phân lìa, chia li, “chuông chùa” giữa buổi chiều muộn hay cảnh khuya gợi ra nỗi buồn hoang vắng, cô tịch,… Không hiểu được những biểu tượng có tính chất truyền thống ấy, ta không hiểu được chiều sâu của thơ ca nghệ thuật.

Trong lịch sử tồn tại lâu dài, ý nghĩa của biểu tượng không ngừng được bổ sung. Chẳng hạn, hình tượng cây tùng trong bài Tùng của Nguyễn Trãi có những nét nghĩa mà ta không thể tìm thấy trong văn thơ trung đại. Nếu cây tùng của Nguyễn Trãi có nét nghĩa đồng nhất cây tùng với người quân tử, thì cây thông của Nguyễn Công Trứ lại thể hiện thái độ đối lập cây tùng với con người, ngụ ý siêu thoát :

Kiếp sau xin chớ làm người

Làm cây thông đứng giữa trời mà reo Giữa trời vách đá cheo leo

Ai mà chịu rét thì trèo với thông.

Cũng như thế có thể tìm thấy nhiều nét nghĩa mới mẻ nếu so sánh “con cò” trong thơ Xuân Diệu với “con cò” trong thơ Vương Bột, “Thạch Sanh đánh ó cứu nàng tiên” trong thơ Tố Hữu với Thạch Sanh trong truyện cổ tích, hoặc so sánh hình ảnh “khói hoàng hôn” trong bài Tràng giang của Huy Cận với hình ảnh “yên ba giang thượng” trong bài Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu. Cố thể nói, biểu tượng bước vào những văn bản nghệ thuật cụ thể từ ngôn ngữ văn hóa của nhiều thời đại, mang vào đó toàn bộ sức nặng ngữ nghĩa mà nó tích lũy được qua nhiều thế kỉ. Cho nên. khác với ẩn dụ, hoán dụ, biểu tượng bao giờ cũng mang tính đa nghĩa. Trong thực tế, ta không thể kết hợp các lớp nghĩa, nét nghĩa của biểu tượng.

Là hiện tượng lịch sử, biểu tượng chịu sự chi phối của ngôn ngữ, tâm lí, quan niệm của dân tộc và thời dại. Với người Pháp, màu đen là biểu tượng của tang tóc, đau buồn, màu xanh là màu của tình yêu, màu vàng (nghệ) là màu của bệnh tật. Với người Việt, màu trắng có thế là màu tang tốc, màu đỏ son và vàng kim là màu của chốn uy quyền, quý phái, vương giả. Sau năm 1945, trong đời sống văn hóa, trong sáng tác văn nghệ của Việt Nam thấy xuất hiện rất nhiều biểu tượng mới. Chẳng hạn, “búa liềm” (Búa liềm không sợ súng gươm bạo tàn – Tố Hữu), “áo xanh”, “áo nâu” (Áo nâu liền với áo xanh, Nông thôn cùng với thị thành đứng lên. – Tố Hữu) là biểu tượng của giai cấp công nông. “Cây tre” cũng là một biểu tượng mới trong vần thơ hiện đại Việt Nam thể hiện đức tính hiền lành, khí phách kiên cường, sức sống mãnh liệt của con người, dân tộc.

Bên cạnh những biểu tượng thể hiện ý thức chung của xã hội, trong văn nghệ có rất nhiều biểu tượng in đậm dấu ấn cá tính sáng tạo của nhà văn, nhà thơ. Nhan đề của nhiều tác phẩm văn học hiện thực phê phán đã là những biểu tượng giàu ý nghĩa, như Số đỏ, Bước đường cùng, Tắt đèn, Sống mòn,… Thơ Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, truyện của Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp có rất nhiều biểu tượng độc đáo. Những biểu tượng do các nhà văn, nhà thơ sáng tạo ra thường chứa đựng nhiều ý tứ kín đáo, thâm trầm, thậm chí bí hiểm. Cho nên, muốn khám phá ý nghĩa của những biểu tượng như thế, ta phải thực sự thâm nhập vào phong cách, vào khuynh hướng sáng tác và toàn bộ thế giới nghệ thuật của nhà văn, nhà thơ.

Chuyên mục: Văn hóaVăn học. Thẻ: Thuật ngữ văn học.
* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 7:00 Chiều ngày 14/09/2016