Bình minh (hoàng hôn) – Khoảng thời gian trước khi Mặt Trời mọc (bình minh) hoặc sau khi Mặt Trời lặn (hoàng hôn). Độ dài thực tế của ban ngày được xác định từ lúc rìa trên của đĩa tròn Mặt Trời mọc lên rồi lặn khuất sau chân trời nhìn thấy. Việc xác định khái niệm ban đêm phức tạp hơn. Bởi vì giữa ban ngày và ban đêm được phân biệt bằng thời gian bình minh (hoàng hôn) một cách tương đối. Mặt Trời ở dưới chân trời sẽ chiếu sáng khí quyển Trái Đất, còn các tia khuếch tán do khí quyển Trái Đất sẽ tạo nên ánh sáng bình minh (hoàng hôn).
Độ dài của bình minh (hoàng hôn) phụ thuộc vào độ vĩ địa lý của vị trí quan sát và độ vĩ xích đạo của Mặt Trời. Vị trí quan sát càng gần xích đạo Trái Đất, thì độ dài của bình minh (hoàng hôn) càng ngắn. Ngược lại, vị trí quan sát càng gần cực Trái Đất, thì độ dài của bình minh (hoàng hôn) càng dài. Bình minh (hoàng hôn) về mùa Hè và mùa Đông được kéo dài hơn so với mùa Xuân và mùa Thu.
Bình mình xảy ra ở phía Đông bầu trời là lúc Mặt Trời đang mọc lên khỏi chân trời. Bình minh là báo hiệu bắt đầu một cuộc sống nhộn nhịp. Mọi người chuẩn bị làm việc, trẻ em đang tranh thủ ôn bài trước khi tới trường và các loài chim ríu rít gọi nhau đi kiếm mồi. Mặt Trời càng lên cao, thì ánh sáng càng tăng và bình minh kết thúc.
Hoàng hôn xảy ra ở phía Tây bầu trời là lúc Mặt Trời đang lặn dưới chân trời. Hoàng hôn là báo hiệu một ngày đang tàn hay một cuộc sống đã quá xế chiều. Mọi người đã nghỉ ngơi sau một ngày làm việc, các bầy chim đã về tổ. Mặt Trời càng xuống thấp dưới chân trời, thì ánh sáng của hoàng hôn càng giảm cho đến lúc tối mịt. Hiện nay người ta phân biệt ba loại bình minh (hoàng hôn) như sau:
Bình minh (hoàng hôn) dân dụng là khoảng thời gian kéo dài từ lúc tâm đĩa tròn Mặt Trời ở dưới chân trời giữa 0° và 6°. Lúc này trời còn đủ sáng để nhận rõ các vật xung quanh. Trước bình minh dân dụng và sau hoàng hôn dân dụng các sao sáng đã nhìn thấy rõ.
Binh minh (hoàng hôn) hàng hải là khoảng thời gian kéo dài từ lúc tâm đĩa tròn Mặt Trời ở dưới chân trời giữa 6° và 12°. Trong thời gian này các sao hàng hải (có cấp sao bé hơn – 3) đã sáng rõ, nhưng bầu trời chưa tối hẳn, còn thấy được đường chân trời. Cũng trong thời gian này các thủy thủ tiến hành quan sát các sao hàng hải để xác định vị trí và hướng đi của tàu.
Bình minh (hoàng hôn) thiên văn là khoảng thời gian kéo dài từ lúc tâm đĩa tròn Mặt Trời ở dưới chân trời giữa 12° và 18°. Trước bình minh thiên văn và sau hoàng hôn thiên văn, thì bầu trời hoàn toàn tối. Đó là thời gian các nhà thiên văn tiến hành quan sát các thiên thể thuận lợi nhất.
Việc nghiên cứu bình minh (hoàng hôn) là một công việc quan trọng và có ích. Mặt Trời càng xuống thấp dưới chân trời, thì các lớp không khí cao hơn và mật độ loãng hơn vẫn còn được chiếu sáng bởi các tia mặt trời. Do đó khi Mặt Trời lặn xuống dưới chân trời, thì ánh sáng hoàng hôn mỗi lúc một giảm đi.
Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô cũ V.G. Fexenkov và các học trò của ông đã nghiên cứu thành công phương pháp tính mật độ các lớn khí quyển trên cao bằng quan sát ánh sáng bình minh (hoàng hôn). Các số liệu này rất quan trọng đối với không quân và việc bắn súng đại bác hay pháo lớn. Từ lâu các máy bay phản lực đã bay tự do ở độ cao hàng chục kilomet. Các tên lửa đã bay vào Vũ Trụ ở độ cao hàng trăm kilomet. Điều kiện bay của các phương tiện quân sự này phụ thuộc vào mật độ của khí quyển. Những số liệu này có thể nhận được từ công tác nghiên cứu bình minh (hoàng hôn).
Biết được khoảng thời gian bình minh (hoàng hôn) của mỗi ngày đã cho và tầm nhìn xa trong bình minh (hoàng hôn) là những thông tin rất quan trọng đối với các tình huống quân sự.