Bút pháp

Bút pháp (tiếng Pháp : écriture), ở phương Đông bút pháp vốn là thuật ngữ của thư pháp – nghệ thuật viết chữ Nho, chỉ cách cầm bút lông, cách đưa đẩy nét bút để tạo dáng nét chữ đẹp. Chẳng hạn : “Khen rằng bút pháp đã tinh” (Truyện Kiều).

Trong văn học, bút pháp là cách thức hành văn, dùng chữ, bố cục, cách sử dụng các phương tiện biểu hiện để tạo thành một hình thức nghệ thuật nào đó. Ở đây bút pháp cũng tức là cách viết, lối viết. Người ta thường nói: bút pháp trào lộng, bút pháp trữ tình, bút pháp cổ kính,… là do sử dụng các biện pháp trào lộng, trữ tình hay từ cổ, cách diễn dạt cổ mà nên. Ví dụ : “Bút pháp sở trường của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong truyện và kí là châm biếm.” (Phạm Huy Thông) ; “Trong thơ trữ tình, Bác thường dùng bút pháp hiện thực và bút pháp tượng trưng. ” (Nguyễn Đăng Mạnh).

Khái niệm bút pháp do trực tiếp gắn với cách viết, lối viết, nên có phần tương đồng với khái niệm phong cách, văn phong. Bởi chữ phong cách trong tiếng Hi Lạp, La-tinh lúc đầu cũng có nghĩa là “cây bút”, sau mở rộng thành “chữ viết”, “cách viết”. Tuy nhiên nội dung khái niệm phong cách nay được hiểu rộng hơn, có tính hệ thống hơn, còn bút pháp thường chỉ yếu tố của phong cách.

Chuyên mục: Văn hóaVăn học. Thẻ: Thuật ngữ văn học.
* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 11:29 Sáng ngày 13/04/2017