Cá tính nhân vật (tiếng Nga : individual ‘nost’ personaja) còn gọi là tính riêng, đặc trưng về tâm lí, khí chất, tác phong, ngôn ngữ,… tương đối ổn định của một tính cách nào đấy làm cho tính cách trở nên con người cụ thể, “xác định” (Ăng-ghen) và nhân vật biểu hiện độc đáo thành “con người này ” (Hê-ghen). Ví dụ : cá tính của Kiều là đa tình, quyết đoán ; cá tính của Hoạn Thư là gian ngoan, giảo quyệt ; cá tính của Tào Tháo là gian hùng,…
Cá tính làm cho nhân vật sinh động, có sức hấp dẫn, để lại trong lòng người đọc một ấn tượng rõ nét, sâu sắc.
Cá tính là kết quả sự khái quát nghệ thuật một khía cạnh nào đấy của bản chất con người cụ thể. Cá tính và tính chung là hai yếu tố cơ bản của một cấu trúc tính cách hoàn chỉnh, có ý nghĩa nhận thức sâu sắc.
Trong thực tiễn của sự phát triển lịch sử văn học, tùy theo sự phát triển của tu duy nghệ thuật, tùy theo nguyên tắc tư tưởng, nghệ thuật của các phương pháp sáng tác, sự mô tả tính cách của các nhà văn hoặc thiên về tính chung (như ở chủ nghĩa cổ điển ), hoặc thiên về tính riêng (như ở chủ nghĩa lãng mạn ). Chủ nghĩa hiện thực ở thế kỷ XIX. với sự phát triển của tư duy lịch sử, cụ thể, việc mô tả tính cách đã đạt được sự hài hòa giữa cá tính và tính chung.