Cái biểu đạt

Cái biểu đạt/ cái được biểu đạt (tiếng Anh : signifier / signified) là cặp thuật ngữ mà Ph. Xốt-xuya dùng để chỉ hai mặt tất yếu phải có của bất cứ kí hiệu nào. Khi nêu ra cặp thuật ngữ này Xốt-xuya từng cân nhắc hai cặp hình thức/ ý niệm và hình tượng/ khái niệm, chúng đều chỉ ra phạm vi của cái biểu đạt/ cái được biểu đạt. Kí hiệu có cấu trúc gồm hai mặt cái biểu đạt/ cái được biểu đạt không thể tách rời như hai mặt của một tờ giấy, tuy nhiên ta thường xem kí hiệu là cái được biểu đạt, vì đây là mặt ngoại lệ dễ thấy.

Cái được biểu đạt theo Xốt-xuya là ý niệm hay khái niệm còn theo Pi-ớc-xơ là khách thể. Mối quan hệ giữa cái biểu đạt âm thanh tiếng nói với ý nghĩa là võ đoán. Còn mối liên hệ giữa cái biểu đạt (kí hiệu) với khách thể có ba phương thức. Một là phương thức chỉ thị, tạo thành kí hiệu chỉ thị (indice – chỉ hiệu), quan hệ giữa cái biểu đạt/ cái được biểu đạt có tính chất nhân quả (triệu chứng và bệnh, cây lay động và gió, khói và lửa), cũng có thể là quan hệ bộ phận và toàn thể (tóc dài và phụ nữ), quan hệ kế cận (thực vật và đất đai). Phương thức thứ hai là tương tự, kí hiệu là cái tương tự (icon – hình hiệu), ví dụ tượng Phật. Những kí hiệu tương tự có thể là âm thanh, âm luật, tiết tấu, hình kỉ hà trừu tượng,… Phương thức thứ ba là quy ước (conventionality), là quan hệ chủ yếu của cái biếu đạt/ cái được biểu đạt. Kí hiệu loại này được gọi là tượng trưng (symbol). Đây là quan hệ mà Xốt-xuya gọi là võ đoán. Nếu thiếu quy ước thì việc lí giải sẽ nảy sinh đa nghĩa. Quy ước là quan hệ cơ bản nhất của cái biểu đạt và cái được biểu đạt, do đó nó cần dựa vào tính hệ thống và siêu ngôn ngữ để lí giải.

* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 11:26 Sáng ngày 13/04/2017