Cảm hứng chủ đạo (tiếng Đức : pathos) là trạng thái tình cảm mãnh liệt, say đắm xuyên suốt tác phẩm nghệ thuật, gắn liền với một tư tưởng xác định, một sự đánh giá nhất định, gây tác động đến cảm xúc của những người tiếp nhận tác phẩm. Bê- lin-xki coi cảm hứng chủ đạo là điều kiện không thể thiếu của việc tạo ra những tác phẩm đích thực, bởi nó “biến sự chiếm lĩnh thuần túy trí óc đối với tư tưởng thành tình yêu đối với tư tưởng, một tình yêu mạnh mẽ, một khát vọng nhiệt thành”.
Thuật ngữ cảm hứng chủ đạo lúc đầu chỉ yếu tố nhiệt tình say sưa diễn thuyết, sau chỉ trạng thái mê đắm khi xuất hiện tứ thơ. Về sau lí luận văn học xem cảm hứng chủ đạo là một yếu tố của bản thân nội dung nghệ thuật, của thái độ tư tưởng xúc cảm ở nghệ sĩ đối với thế giới được mô tả. Theo nghĩa này, cảm hứng chủ đạo thống nhất với đề tài và tư tưởng của tác phẩm. Cảm hứng chủ đạo đem lại cho tác phẩm một không khí xúc cảm tinh thần nhất định, thống nhất tất cả các cấp độ và yếu tố của nội dung tác phẩm. Đây là cái mức căng thẳng cảm xúc mà nhờ đó nghệ sĩ khẳng định các nguyên tắc thế giới quan của mình trong tác phẩm.
Trong nghiên cứu văn học hiện đại, có người phân loại cảm hứng chủ đạo thành bi kịch, chính kịch, anh hùng, cảm thương, lãng mạn, trữ tình, trào lộng, châm biếm (dùng như những định ngữ). Có thể gọi tắt những cảm húng chủ đạo là “cảm hứng”. Ví dụ: cảm húng anh hùng, cảm hứng trào lộng,… nhưng cảm hứng chủ đạo trong tác phẩm cụ thể là một hiện tượng độc đáo không lặp lại, gắn với tình cảm của tác giả.