Câu đố

Câu đố (tiếng Anh : riddle) là một thể loại văn học dân gian mà chức năng chủ yếu là phản ánh đặc điểm của sự vật, hiện tượng bằng phương pháp giấu tên và nghệ thuật chuyển hóa gây nhiễu (chuyển vật nọ thành vật kia), được nhân dân dùng trong sinh hoạt tập thể để thử tài suy đoán, kiểm ba sự hiểu biết và mua vui, giải trí.

Đơn vị tác phẩm của thể loại này được gọi là câu, vì nó đều rất ngắn, tương tự như những câu tục ngữ và ca dao. ví dụ :

– Anh lớn mặc áo đỏ. Em nhỏ mặc áo xanh.

(Quả ớt)

– Một đàn cò trắng phau phau

Ăn no tắm mát rủ nhau đi nằm.

(Những cái bát ăn cơm)

Nhưng cũng không ít những câu đố dài (tương tự như một bài ca dao hay một bài thơ). Ví dụ :

Con hai đứa ở hai nơi,

Gặp nhau một chỗ cùng chơi một phòng,

Không may nhà sập đá chồng,

Tan xương nát thịt máu hồng chứa chan.

(Trầu cau và việc ăn trầu)

Tuy có nhiều tác dụng khác nhau (như đức dục, mĩ dục,…) nhưng tác dụng chủ yếu của câu đố là trí dục. Lối ẩn dụ trong câu đố là một lối ẩn dụ riêng, khác với lối ẩn dụ thông dụng trong văn học nghệ thuật (cái ẩn trong câu đố là cái hoàn toàn vô định, không nhất thiết phải là cái thuộc về con người trong văn học nghệ thuật). Dựa vào những biểu hiện khác nhau về nội dung, hình thức, người ta còn chia câu đố thành các loại, các nhóm khác nhau, như loại đố tục giảng thanh, loại đố chữ, loại đố nói vì đố giảng,…

Chuyên mục: Văn hóaVăn học. Thẻ: Thuật ngữ văn học.
* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 11:17 Sáng ngày 13/04/2017