Cấu trúc của tác phẩm

Cấu trúc của tác phẩm (tiếng Nga : struktura proizvedenia), tổ chức nội tại, mối quan hệ qua lại của các yếu tố của tác phẩm mà sự biến đổi một yếu tố nào trong đó sẽ kéo theo sự biến đổi của các yếu tố khác. Từ xưa người ta dã biết đến cấu trúc của tác phẩm văn học, nhưng chỉ hiểu ở khía cạnh hòa hợp hài hòa, đối xứng. Nghiên cứu văn học từ những năm 20 thế kỷ XX hiểu cấu trúc của tác phẩm văn học là kết cấu, cấu tạo và mối quan hệ qua lại của nhân vật với các hình tượng khác, quan hệ giữa các lớp tư tưởng chủ đề và lớp tạo hình, tổ chức lời văn.

Ngày nay, cấu trúc của tác phẩm văn học là một khái niệm được sử dụng phổ biến và được hiểu như là mối quan hệ qua lại của các kí hiệu thẩm mĩ đặc thù, bởi tác phẩm là một thông báo bằng một ngôn ngữ đặc biệt. Khác với ngôn ngữ tự nhiên, các yếu tố cấu trúc của tác phẩm đều có ý nghĩa riêng. Ví dụ một câu tục ngữ như : gần mực thì đen, gần đèn thì sáng, thì cả mực và đen, đèn và sáng, trong cấu trúc của câu tục ngữ đều hàm chứa những nội dung mà những chữ ấy thông thường tách riêng ra không thể có được. Do đó muốn hiểu tác phẩm văn học, ta phải tìm hiểu cấu trúc của nó, đặt các yếu tố vào trong cấu trúc của nó.

Tác phẩm văn học là một cấu trúc phức tạp. Hiện vẫn chưa có một quan niệm thỏa mãn được mọi người. Tuy vậy nhìn chung, khái niệm cấu trúc của tác phẩm có thể hình dung đại để như sau: xét từ lí luận chỉnh thể, cấu trúc của tác phẩm bao gồm các yếu tố được đặt trong trật tự (cấp độ) phụ thuộc vào nhau như sau đây: tư tưởng – chủ đề (gồm cả đề tài), hệ thống hình tượng (có thể bao gồm cả cốt truyện), kết cấu , ngôn từ. Cũng có ý kiến xem nội dung tư tưởng – chủ đề là yếu tố ưu trội, quy định cả hệ thống tác phẩm, còn cấu trúc đích thực của tác phẩm chỉ bao gồm hai yếu tố: ngôn từ, cốt truyện, được tổ chức với nhau bằng kết cấu. Yếu tố kết cấu là đặc trưng cho bản chất nghệ thuật nói chung của văn học, nó tạo ra nhịp điệu chung cho tác phẩm và cho từng bộ phận. Yếu tố cốt truyện đặc trưng cho văn học với tư cách là nghệ thuật thời gian, gắn với nó xuất hiện con người, không gian, thời gian, xung đột, biến cố. Yếu tố ngôn ngữ tiêu biểu cho đặc trưng nghệ thuật ngôn từ, Sự thống nhất các yếu tố (cấp độ) này tạo ra thế giới nghệ thuật của tác phẩm.

Trên cấp độ chủ đề, cốt truyện, người ta chỉ ra các câu, các từ ngữ chìa khóa có ý nghĩa đặc biệt như là các chủ đề nhỏ, các môtíp. Cốt truyện được hiểu như là tổng thể của các môtíp và tiếp theo, chỉ ra các cốt truyện “di chuyển”, các chủ đề “vĩnh cửu” (thiên nhiên, tình yêu, cái chết,…). Trên cấp độ hình tượng, người ta chia ra hình tượng ngôn từ (các phép chuyển nghĩa), các hình tượng nhân vật, phong cảnh, chân dung, nội tâm (chiếm một phần văn bản),các hình tượng về thế giới, không gian, thời gian (chiếm toàn văn bản). Trên cấp độ thời gian, người ta chia các yếu tố dòng thơ, khổ thơ, văn bản thơ. Trên cấp độ ngôn ngữ, người ta phân biệt ngữ âm, hình thái, cú pháp, yếu tố trên câu, toàn văn bản, liên văn bản. Toàn bộ các yếu tố vừa kể trên ở các cấp độ đều tham gia vào cấu trúc của tác phẩm nhằm tạo ra một hình thái về mối quan hệ thẩm mĩ giữa chủ thể và thế giới.

Tính lặp lại và vững bền của các yếu tố thuộc các cấp độ cấu trúc tối cao, cho phép nghĩ đến các mẫu gốc của tư duy nghệ thuật. Tính ổn định của các cấp độ cấu trúc siêu văn bản cho phép nói đến cấu trúc của tình huống văn học sử của thời đại. Một trong những đặc điểm quan trọng của tính ổn định của cấu trúc là kí ức của thể loại, tức là mô hình của thể loại văn học.

Chuyên mục: Văn hóaVăn học. Thẻ: Thuật ngữ văn học.
* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 11:38 Chiều ngày 24/04/2017