Cấu tứ

Cấu tứ (Tiếng nga: zamysel), xét trong quá trình sáng tác, là hoạt động tư duy để sáng tạo ra hình tượng nghệ thuật. Trong thiên Thần tứ, nhà lí luận văn học

Trung Quốc Lưu Hiệp (~ 465 – ~ 532) nói : “Cái kì diệu của cấu tứ là làm cho tinh thần nhà văn gặp gỡ với sự vật khách quan”, “hình và ý gặp nhau”. Các nhà văn thường nói “tình tứ”, “cấu tứ” tác phẩm là như vậy.

Xét như một thành quả sáng tạo, cấu tứ là sự cắt nghĩa, lí giải và khái quát hiện tượng đời sống bằng một hình tượng tổng quát có sức chi phối toàn bộ cảm thụ, suy tưởng và miêu tả nghệ thuật trong tác phẩm. Chẳng hạn trong bài Lệ, Xuân Diệu xem “Trái đất ba phần tư nước mắt” là một giọt lệ lớn đi giữa không trung, hoặc trong bài Hồ Chí Minh (1946) Tố Hữu hình dung Hồ Chủ tịch qua hình ảnh “Người lính già” đi tiên phong quyết chiến, hi sinh.

Có thể xem cấu tứ là linh hồn của tác phẩm, cung cấp một thế đứng, thế nhìn, cách cảm nhận để thâm nhập vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm. Cấu tứ là mô hình nghệ thuật của tác phẩm, là quan niệm nghệ thuật về thế giới và con người của nó.

Cấu tứ không phải chỉ có trong thơ trữ tình hoặc trong một tác phẩm nào đó mà có cả trong mọi tác phẩm nghệ thuật loại khác như tiểu thuyết, kịch, kí, tản văn , trong sáng tác của một tác giả hoặc một thể loại văn học. Chẳng hạn “phức điệu” (polyphonie) là loại cấu tớ nghệ thuật của Đốt-xtôi-ép-xki để phản ánh cái phẩm chất chưa hoàn thành của đời sống. Miêu tả con người như đồ vật (chân dung thằng ăn cắp, bà phán Tuyên,…) là một nét đáng chú ý trong cấu tứ nghệ thuật của truyện ngắn trào phúng Nguyễn Công Hoan.

Chuyên mục: Văn hóaVăn học. Thẻ: Thuật ngữ văn học.
* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 11:16 Sáng ngày 13/04/2017