Chân lí nghệ thuật

Chân lí nghệ thuật (tiếng Pháp : vérité de l‘art) là một trong những phạm trù mĩ học trung tâm, nhằm nêu lên đặc trưng nhận thức luận của nghệ thuật. Các khái niệm về sự sống thực, về sự trung thành với “sự thật của đời sống” của các hình thức nghệ thuật, đều chưa bộc lộ hết ý nghĩa của chân lí nghệ thuật. Để đạt tới chân lí nghệ thuật cần phải có vai trò của tưởng tượng, của cá tính sáng tạo của nghệ sĩ, của việc sử dụng các phương thức tạo hình và biểu hiện trong phản ánh nghệ thuật.

Quan niệm về bản chất của chân lí nghệ thuật cũng biến đổi trong lịch sử.

Từ cổ đại đến thế kỷ XVIII, cơ sở của nó là lí thuyết về tính bắt chước do A-ri-xtốt nêu lên. Người ta cho rằng có thể đạt tới chân lí nghệ thuật bằng cách kết hợp sự giống thực và sự biểu đạt những ý niệm phổ quát tất yếu (về vũ trụ, thượng đế, thiên nhiên, lí trí). Trong thời đại Phục hưng, nhiều nghệ sĩ và nhà lí thuyết khẳng định tư tưởng về tính thống nhất của cái đẹp và cái chân thật. Theo mĩ học Phục hưng, đầu óc họa sĩ phải như tấm gương nhưng không phải là sao chép một cách không suy nghĩ, mà là dựa vào những tri thức về bản tính của sự vật. Nhưng mĩ học Phục hưng chưa thấu triệt khoa học về mối quan hệ biện chứng giữa tính nghệ thuật và chân lí nghệ thuật mà có xu hướng đối lập sự giống thực và sự thực hiện thực. Xu hướng này đạt tới đỉnh cao trong chủ nghĩa cổ điển: ở đây sự giống thực là sự tương đồng (trong ảo giác) của các hình tượng nghệ thuật so với hiện thực. Quan niệm trên đây đã bị mĩ học khai sáng thế kỷ XVIII phê phán. Đi-đơ-rô cho rằng sự thật của tự nhiên là cơ sở cho tính giống thực ở nghệ thuật.

Quan niệm về chân lí nghệ thuật có một bước tiến mới trong mĩ học thế kỷ XIX, khi những sai lầm của nguyên tắc “bắt chước” được phê phán, khi xác lập được quan niệm coi nghệ thuật như là những hoạt động tinh thần – thực tiễn và là những hình thức phản ánh thực tại đặc thù được phát triển liên tục trong lịch sử, khi luận chứng được luận điểm về sự liên hệ mật thiết giữa chân lí nghệ thuật với tầm tư tưởng, cách đặt vấn đề, sức mạnh tài năng của nghệ sĩ. Vấn đề trung tâm trong nghệ thuật từ đây là sự đa dạng của các hình thức phản ánh thực tại, của các “điểm nhìn” nghệ thuật, của các bình diện thực tại do từng chủ thể nghệ sĩ phát hiện và miêu tả bằng nghệ thuật, xuất phát từ lập trường sống và quan điểm nghệ thuật của từng cá tính sáng tạo, từng phong cách và đặc điểm riêng của tài năng nghệ thuật nhà văn, cho phép khám phá nhiều khía cạnh khác nhau của thực tại.

* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 11:38 Chiều ngày 24/04/2017