Chất liệu nghệ thuật

Chất liệu nghệ thuật (tiếng Pháp : matériel artistique) là yếu tố vật liệu, vật chất hàng đầu và cốt yếu nhất được dùng để làm nên tác phẩm nghệ thuật, tức là để thể hiện ý đồ sáng tác của nghệ sĩ.

Ví dụ: âm thanh (cho âm nhạc) ; ngôn từ (cho văn học); màu sắc và đường nét (cho hội họa); gỗ, thạch cao, đá, đồng,… (cho điêu khắc),… Trong quá trình sáng tác, những chất liệu này hiện diện cùng với phẩm chất thẩm mĩ của chúng, tức là với tư cách âm thanh âm nhạc, ngôn từ nghệ thuật,… Nhà kiến trúc làm việc trên bản thiết kế chẳng những phải tính đến trình độ kĩ thuật xây dựng mà còn phải tính đến khả năng nghệ thuật của chất liệu được sử dụng (đá, bê tông, kính,…). Trong sân khấu và điện ảnh, chất liệu nghệ thuật là những dữ kiện thể chất bẩm sinh của diễn viên (giọng nói, hình thể, thần kinh, cấu trúc tâm sinh lí,…) được đào tạo ở mức nhất định và có sự phát triển. Nhờ chất liệu nghệ thuật, nghệ sĩ mới khách thể hóa được các hình tượng đã hình thành trong tưởng tượng của mình, tạo cho chúng một cái vỏ ngôn ngữ (ngôn ngữ nghệ thuật). Việc nghệ sĩ lệ thuộc vào chất liệu nghệ thuật trong sáng tạo thể hiện ở chỗ anh ta không thể không tính đến những đặc tính, những khả năng, tính quy luật vốn có ở các chất liệu được sử dụng. Cũng vì vậy mà sự xuất hiện các chất liệu nghệ thuật mới, các phương tiện kĩ thuật mới đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành những loại hình nghệ thuật mới, như: điện ảnh, truyền hình, nhiếp ảnh nghệ thuật.

Tuy nhiên, các tác phẩm nghệ thuật vốn là những thực thể tinh thần, chúng chỉ tồn tại trong chất liệu nghệ thuật và thông qua chất liệu chứ không phải là bản thân khối chất liệu nghệ thuật, cái “đồ vật’’ – đã được chế tác (quyển sách, pho tượng, vở diễn,…). Các “đồ vật” ấy chỉ là sự khách thể hóa cái thực thể tinh thần kia, để công chúng có thể tiếp nhận. Trong quá trình sáng tác, ngoài việc tuân thủ và lợi dụng các đặc tính, khả năng của chất liệu nghệ thuật, nghệ sĩ đôi khi còn “cãi lại” chất liệu nghệ thuật, do thường xuyên vấp phải tính vật chất “thô lỗ” của chất liệu nghệ thuật (ví dụ dùng đá hoa cương rắn để thể hiện các hình khối gây cảm giác mềm mại). Việc khắc phục tính “vật chất” của chất liệu nghệ thuật đưa tới sự tích lũy kinh nghiệm nghệ thuật. Việc tìm ra các cách xử lí mới đối với chất liệu nghệ thuật làm nảy sinh các thủ pháp, phong cách, trường phái, thể loại khác nhau trong nghệ thuật (ví dụ khát vọng thể hiện không gian ba chiều trên mặt tranh phẳng đưa tới chủ nghĩa lập thể ; khát vọng thể hiện ý thức đa ngữ – đối thoại đưa tới thể loại tiểu thuyết đa thanh ,…).

* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 11:15 Sáng ngày 13/04/2017