Chèo

Chèo là một loại kịch hát dân gian truyền thống của người Việt chủ yếu thịnh hành ở các tỉnh miền Bắc, từ Nghệ An, Hà Tĩnh trở ra), trung tâm là vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Chèo hình thành trên cơ sở trò diễn và ca vũ dân gian từ thế kỷ XIII, phát triển đến chỗ cực thịnh vào thế kỷ XIX, rồi phân hóa và suy yếu dần. Từ nửa đầu thế kỷ XX, chèo được cải cách, nâng cao để trở thành một loại kịch hát đáp ứng nhu cầu của công chúng hiện nay.

Có người cho tên chèo do chữ trò hay chữ trào (nghĩa là “cười”) gọi chệch đi. Cũng có ý kiến cho chữ chèo là biến âm của chữ trạo (nghĩa là “bơi thuyền”, “chèo đò”). Phạm Đình Hổ (trong Vũ trung tùy bút) có nói đến ‘‘trạo phường” (phường chèo chải) là những tổ chức ca kĩ dưới thời nhà Lí thường đi hát rong.

Vở chèo Đưa linh (còn được giữ lại đến nay) có thể đã được ra đời từ thời kì đầu của lịch sử chèo.

Ngay từ lúc đầu, chèo đã thực hiện chức năng kể chuyện của dân ca với các phương tiện nghệ thuật sân khấu (diễn viên, hóa trang, bài trí, múa, điệu bộ,…). Những truyện cổ tích và truyện thơ (như Tống Trân Cúc Hoa, Lưu Bình Dương Lễ, Quan Âm Thị Kính, Truyện Kiều,…) được diễn lại trong chèo với những gia giảm nhất định. Chèo cũng có những sáng tác riêng (như các vở Kim Nham, Chu Mãi Thần,…).

Trước hết, chèo mang cái tên dân gian là chèo sân đình. Vì sân khấu rất thô sơ, chỉ là một cái chiếu trải giữa sân đình, khán giả ngồi bao quanh cả bốn mặt “chiếu chèo”, không có phông màn, bài trí. Phục trang là y phục thường ngày, hóa trang cũng rất đơn giản, chỉ có vai hề được vẽ mặt để gây cười. Người diễn và người xem gắn với nhau rất mật thiết, đặc biệt là qua tiếng “đế”. Tiếng “đế” là tiếng của công chúng khán giả xem chèo tham gia đối đáp với diễn viên hoặc tham gia hát và đỡ giọng cho diễn viên. Những năm đầu thế kỷ XX, chèo sân đình ra sân khấu thành thị với những cải tiến mới (về vở diễn, diễn viên, trang phục, ánh sáng, nhạc nền,…) được gọi là chèo văn minh và sau đó, chèo văn minh lại được cải tiến một lần nữa cho phù hợp với thị hiếu của thị dân, trở thành chèo cách tân (hay chèo cải lương).

Các vai diễn trong chèo dân gian truyền thống được phân thành nhiều loại với những tên gọi khác nhau, như : vai chính, vai lệch, vai hề,… vai nữ chính như vai Thị Kính, Thị Phương, Châu Long ; vai nữ lệch như: Thị Mầu, Sùng Bà.

Làn điệu trong chèo rất phong phú và tuy mượn nét nhạc của dân ca (chủ yếu là dân ca miền Bắc), nhưng đã được chế tác thêm cho phù hợp với yêu cầu thể hiện tính cách nhân vật, có loại vui, loại buồn, loại lẳng lơ, loại trang nghiêm.

Chuyên mục: Văn hóaVăn học. Thẻ: Thuật ngữ văn học.
* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 11:38 Chiều ngày 24/04/2017