Chờ đợi (trong tiếp nhận – văn học)

Chờ đợi (trong tiếp nhận), (tiếng Anh : expectation) là khái niệm chỉ cấu trúc tác phẩm tương ứng với tâm lí người đọc đã trở thành quy ước. Tác phẩm khác nhau không chỉ do cấu trúc ngôn ngữ, mà còn do mô hình tiếp nhận thông tin đã định hình nơi người đọc. Thể loại văn học khác nhau thì kiểu chờ đợi cũng khác nhau.

Riêng đọc thơ ca có bốn loại chờ đợi: chờ đợi nhịp điệu, chờ đợi phi quy chiếu (phi chỉ xưng), chờ đợi chỉnh thể hóa, chờ đợi ý nghĩa. Đọc bài thơ trước hết người ta chờ đợi tiết tấu, vần. Đối với thơ tự do, ngữ điệu tụ nhiên, sự sắp xếp dòng thơ tạo sự chờ đợi nhịp điệu. Thơ ca không gọi thẳng tên sự vật như văn xuôi một cách thực dụng, mà tìm cách phi quy chiếu để gợi ám thị chiều sâu, phiếm chỉ hóa. Khi đọc thơ người đọc chờ đợi một cấu trúc chỉnh thể, có mở đầu, có phát triển, có kết thúc. Dù bài thơ biến hóa thế nào người đọc cũng chờ đợi sự trở về với điều đã gợi ra ở đầu, sự hô ứng, chiếu ứng. Sự chờ đợi ý nghĩa phức tạp hơn. Ý nghĩa từng từ, câu trong bài nhiều khi mơ hồ, khó nắm bắt. Sự chờ đợi ý nghĩa nhiều khi phụ thuộc vào ý thức và tính tích cực của người đọc. Chính người đọc nắm bắt ý nghĩa và tổ chức lại bài thơ theo ý nghĩa mà mình phát hiện.

Chuyên mục: Văn học. Thẻ: Thuật ngữ văn học.
* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 11:14 Sáng ngày 13/04/2017