Chòm sao

Chòm sao là tên gọi một tập hợp sao nhìn thấy ở gần nhau trên bầu trời tạo thành một hình dạng tưởng tượng nào đó.

Đã từ thời Chande được coi là thời kỳ kiểu mẫu của thiên văn học nguyên thủy, người ta đã hình dung các sao ở gần nhau có dạng những con vật hay những đồ vật trên Trái Đất và đã đặt tên cho chúng. Đó là các chòm Con Gấu Lớn (Ursa Major), chòm Thiên Cầm (Lyra), chòm Con Trâu (Taurus), chòm Sư Tử (Leo)… Dần dần các chòm khác ở thiên cầu Nam được đặt tên (từ thế kỷ 17), đã có tên mang tính kỹ thuật như các chòm Máy Hơi Nước (Antlia), Mắt Lưới (Reticulum), Đồng Hồ (Horologium)…

Năm 1922 Hội Thiên văn Quốc tế đã đề ra một số quy định để sắp xếp lại các chòm sao (về giới hạn mỗi chòm và số lượng chòm). Hội nghị lần thứ nhất của Hội họp tại Roma đã quy định tổng số 88 chòm và đặt tên La Tinh cho chúng. Hai cuộc họp tiếp sau (năm 1925 và 1928) Hội đã quyết định về giới hạn chính xác cho mỗi chòm, dựa vào giới hạn cung kinh tuyến và vĩ tuyến trên thiên cầu. Điều này cần để mỗi khi phát hiện sao mới thì khẳng định được nó thuộc chòm nào để nó có tên của chòm đó. Chẳng hạn như năm 1963 đối với một sao mới phát hiện được ở ranh giới hai chòm Vũ Tiên và Thiên Cầm, sau khi so với ranh giới chính xác đã được quy định (qua bản đồ sao chính xác của đài Thiên văn Meudon (Pari) thì nó là sao mới của chòm Vũ Tiên.

chom sao lap ho orion

Lạp Hộ (Orion) là một chòm sao đáng chú ý, nó được nhìn thấy từ mọi nơi trên Trái Đất (nhưng không phải quanh năm).

Ngoài tên các sao được đặt từ thượng cổ (người ta vẫn giữ các tên đó), hội còn quyết định các sao trong mỗi chòm được ký hiệu bằng chữ cái Hy Lạp (theo vần) kể từ sao sáng nhất. Đó là các sao α, β,γ, δ, … Các chòm sao được đặt tên theo tiếng La Tinh (để các nước có thể dùng chung các tên này) và cũng được quy ước cách viết tắt, thường là gồm ba chữ cái, thí dụ chòm Sagittae (Sge), chòm Sagittarius (Sgr)… Tóm lại các sao nhìn thấy trong bầu trời đã có địa chỉ rõ ràng (tên sao, tên chòm sao và tọa độ (xích kinh, xích vĩ) của chòm sao). Trong đó 88 chòm, có một số chòm khá đặc biệt hoặc là ở những vị trí cơ bản trên bầu trời, hoặc là khá quen thuộc, đối với dân thường sống ở nông thôn, vùng biển (do có cách định hướng hay xác định mùa sản xuất bằng quan sát vị trí của một số chòm sao). Đó là các chòm Con Gấu Lớn (Đại Hùng) gồm bảy sao khá sáng có dạng một con gấu. Đối xứng với chòm này so với sao Bắc Cực là chòm Thiên Hậu có hình dạng một chữ M. Từ vị trí của một trong hai chòm vừa nói ta có thể tìm được sao Bắc Cực, sao ở cách thiên cực Bắc chưa đầy 1°. (Sao chỉ gần đúng phương Bắc). Mùa hè vào lúc đầu đêm chòm Thiên Cầm có ngôi sao rất sáng Chức Nữ nằm ở gần đỉnh đầu, bên cạnh (ở giữa dải Ngân Hà) là hình chữ thập của chòm Thiên Nga. Mùa đông lại nhìn thấy rõ ba sao (thắt lưng) của chòm Tráng Sĩ, thấy sao sáng nhất bầu trời Thiên Lang của chòm Đại Khuyển. Trong hoàng đới người ta thường biết đến các chòm “Con Trâu” (Kim Ngưu) với đám sao Rua, chòm Thần Nông với sao Antares màu đỏ…

Tên quốc tế các chòm sao thống nhất theo tiếng La Tinh. sau đây là tên một số chòm sao chính.

Tên La Tinh Tên tiếng Việt Tên La Tinh Tên tiếng Việt
Andromede Tiên Nữ Hercules Vũ Tiên
Auriga Ngự Phu Hydra Trường Xà
Aries Con Dê (Bạch Dương) Libra Cái Cân (Thiên Bình)
Aquila Đại Bàng (Thiên Ưng) Leo Sư Tử
Bootes Mục Phu Lyra Thiên Cầm
Canis Major Đại Khuyển Ophiuchus Xà Phu
Canis Minor Tiểu Khuyển Orion Tráng Sĩ (Lạp Hộ)
Canes Venatici Lạp Khuyển Pegasus Phi Mã
Cassiopeia Thiên Hậu Perseus Anh Tiên
Capricornus Con Hươu (Ma Kết) Phoenix Phượng Hoàng
Cygnus Thiên Nga Piscis Austrinus Nam Ngư
Corona Borealis Bắc Miễn Sagittarius Nhân Mã
Centaunus Bán Nhân Mã Scorpius Thần Nông
Cepheus Thiên Vương Serpens Cự Xà
Crux Nam Thập Tự Taurus Con Trâu (Kim Ngưu)
Draco Thiên Long Ursa Major Con Gấu Lớn (Đại Hùng)
Eridanus Ba Giang Ursa Minor Con Gấu Nhỏ (Tiểu Hùng)
Gemini Song Tử Vela Thuyền Phàm
Grus Thiên Hạc Virgo Trinh Nữ

Các sao đều chuyển động trong không gian với vận tốc rất lớn nhưng vì chúng ở cách Trái Đất rất xa nên hình thù các chòm sao nhìn thấy hình như không thay đổi suốt một thời gian dài.

* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 3:19 Chiều ngày 09/01/2017