Chu kỳ Mặt Trời

Chu kỳ Mặt Trời (hay còn gọi là chu kỳ vết đen)

Trên quang cầu Mặt Trời thường xuất hiện các vết sẫm tối – gọi là vết đen. Khảo sát các vết đen về số lượng, diện tích cũng như từ trường của chúng, người ta thấy có sự biến thiên từ năm này qua năm khác và gần như lặp lại sau một khoảng thời gian xác định. Khoảng thời gian đó được gọi là chu kỳ Mặt Trời. Nó có giá trị trung bình là 11 năm.

Samual Heinrich Schwabe (1789 – 1875), một dược sĩ và là nhà thiên văn nghiệp dư người Đức lần đầu tiên phát hiện ra chu kỳ Mặt Trời vào năm 1843 nhờ nghiên cứu số lượng các vết trên Mặt Trời. Về sau nhà thiên văn người Anh là Walter Maunder (1851 – 1928) phát hiện thêm rằng vị trí các vết trên Mặt Trời cũng tỏ ra biến thiên có chu kỳ gần 11 năm. Đến năm 1908 George Ellery Hale (1868 – 1938) đã đo được từ trường vết đen, xác định được cực từ trong các nhóm vết. Nếu kể đến cực từ của nhóm vết thì chu kỳ Mặt Trời không phải là 11 năm mà là 22 năm. Ngoài ra, khi để ý đến số cực đại của các vết có trên Mặt Trời, người ta thấy chu kỳ không phải là 11 hay 22 năm mà nó dài hơn vào cỡ 100 năm, nên chu kỳ này có tên là chu kỳ thế kỷ.

Đến nay người ta cho rằng Mặt Trời là khối khí linh động gồm các hạt tích điện ở trong từ trường. Khối plasma ấy tự quay với những vận tốc khác nhau tùy theo vĩ độ của nó đã làm cho từ trường bị xoắn lại đến mức nào đó sẽ tách khỏi từ trường ở phía dưới quang cầu và nổi lên trên làm xuất hiện các vết, kết quả gây ra sự biến thiên có chu kỳ như trên. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có một cơ chế chính xác để giải thích chu kỳ Mặt Trời.

Quan sát tai lửa và các bùng sáng sắc cầu đều cho thấy rằng sự xuất hiện của chúng cũng tuân theo chu kỳ như vậy. Đặc biệt người ta đang cố gắng xem xét ảnh hưởng sự hoạt động của Mặt Trời đến khí hậu trên Trái Đất và hy vọng rằng khí hậu trên Trái Đất cũng biến thiên với chu kỳ như chu kỳ Mặt Trời. Câu trả lời vẫn đang còn ở phía trước.

* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 11:55 Sáng ngày 10/01/2017