Chủ nghĩa cấu trúc

Chủ nghĩa cấu trúc (tiếng Pháp : structuralisme) là một khuynh hướng trong nghiên cứu văn học, một phương pháp nghiên cứu trong khoa học xã hội nhằm khám phá, mô tả các cấu trúc của tư duy vốn là cơ sở, là cốt lõi của các nền văn học quá khứ và hiện tại.

Chủ nghĩa cấu trúc ra đời vào khoảng nửa sau những năm 40 và nửa đầu những năm 50 của thế kỷ này. Cơ sở của nó là học thuyết ngôn ngữ học của Ph. Xốt-xuya (Thụy Sĩ) và các công trình nghiên cứu của nhà dân tộc học người Pháp Cơ-lốt Lê-vi – Xtơ-rox. Trong khi nghiên cứu thần thoại của các bộ tộc ở Nam và Trung Mĩ, nhà dân tộc học này đã để ý đến cấu trúc bề mặt dễ thay đổi và cấu trúc chiều sâu không thay đổi của thần thoại. Ông cho rằng cái không thay đổi của thần thoại là chủ đề, còn sự thể hiện trong sáng tác dân gian, lễ nghi là những biến dạng của nó. Từ đó ông đi tìm và giải mã các mối quan hệ giữa những yếu tố cấu trúc của thần thoại, giữa những biến dạng phức tạp kia với chủ đề, và giữa chúng với nhau để từ đó tìm ra cơ sở xuất hiện của các văn bản. Bằng việc làm đó, ông đã trực tiếp đặt nền móng cho sự ra đời của chủ nghĩa cấu trúc như một phương pháp nghiên cứu văn học nói riêng và khoa học xã hội nói chung.

Nhìn chung chủ nghĩa cấu trúc đặc biệt quan tâm đến các quan hệ giữa những yếu tố của cấu trúc hơn là đến bản thân các yếu tố đó. Nhà nghiên cứu Lốt-man đã nhấn mạnh : “Sự phân tích cấu trúc xuất phát từ chỗ coi thủ pháp nghệ thuật không phải là yếu tố vật chất của văn bản mà là quan hệ” (Lốt-man, Sự phân tích văn bản thơ ca, 1972). Có thể nói tất cả những biện pháp mà chủ nghĩa cấu trúc thường dùng, từ việc đi tìm các mối liên hệ bên trong của văn bản, việc xác định mức độ cấu trúc của tác phẩm đến việc mô hình hoá một văn bản riêng biệt hay cấu trúc nghệ thuật của một nhóm tác phẩm, thậm chí của cả một trào lưu, một thời đại văn hoá đều nhằm mục tiêu: phân tích hệ thống những quan hệ của các yếu tố tạo thành chỉnh thể nghệ thuật. Trong phương pháp phân tích cấu trúc, cấu trúc thường được phân thành những cặp đối lập.

Trong thần thoại, đó là sự sống và cái chết, cái của mình và cái của người khác, nam và nữ, cái tươi sống và cái được nấu chín,… cho đến cái quan trọng nhất: tự nhiên và văn hóa.

Chủ nghĩa cấu trúc đã đem lại cho các cặp đối lập một ý nghĩa phổ biến.

Xung quanh vấn đề chủ nghĩa cấu trúc trong văn học đã và sẽ còn có nhiều cuộc tranh luận để đánh giá nó. Thực tế cho thấy rằng chủ nghĩa cấu trúc với tư cách là một phương pháp đã góp phần làm cho phương pháp nghiên cứu văn học có hiệu quả hơn, song không thể coi đó là phương pháp duy nhất có thể thay thế phương pháp nghiên cứu truyền thống. Ý đồ tốt đẹp của các nhà cấu trúc luận là muốn làm cho công việc nghiên cứu văn học trở thành một khoa học chính xác như trong khoa học tự nhiên, nhưng trong thực tế, họ gặp phải một số trở ngại không nhỏ mà nhiều nhà khoa học đã nêu lên như khám phá tính độc đáo riêng biệt, tính nghệ thuật của tác phẩm văn học.

Hiện nay ở một số nước trên thế giới, chủ nghĩa cấu trúc còn được quan niệm như một khuynh hướng xã hội – triết học.

Chuyên mục: Văn hóaVăn học. Thẻ: Thuật ngữ văn học.
* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 11:36 Chiều ngày 24/04/2017