Chủ nghĩa cổ điển

chủ nghĩa cổ điển (tiếng Pháp : classicisme) là một phong cách nghệ thuật và khuynh hướng mỹ học trong văn nghệ châu Âu thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XIX.

Tên gọi của khuynh hướng này ra đời muộn hơn khi các nhà Ánh sáng (thế kỷ XVIII) muốn chọn những tác giả và tác phẩm ưu tú có thể dùng làm mẫu mực, trước hết là về mặt sử dụng ngôn ngữ, để đưa vào bài giảng trong nhà trường. Khái niệm cổ điển (tiếng Pháp : classique) liên quan đến từ classe có nghĩa là “lớp học” được sử dụng từ đấy và được hiểu theo cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp.

Nghĩa rộng có nghĩa là “mẫu mực”. Nghĩa hẹp, thường được gọi một cách hoàn chỉnh là chủ nghĩa cổ điển, để chỉ khuynh hướng văn học này.

Thi pháp của chủ nghĩa cổ điển bắt đầu được xác lập vào cuối thời kì Phục hưng ở Ý, nhưng nó chỉ trở thành một hệ thống nghệ thuật hoàn chỉnh ở nước Pháp thế kỷ XVII, thời kì củng cố và phồn vinh của chế độ chuyên chế. Người mở đầu thơ ca và thi pháp của chủ nghĩa cổ điển ở Pháp là Man-léc-bơ (khoảng 1555 – 1628), người đã tiến hành những cuộc cải cách ngôn ngữ và thơ ca, được Viện Hàn lâm Pháp ghi nhận, với nhiệm vụ xây dựng quy tắc ngôn ngữ và văn học chung bắt buộc đối với mọi người.

Cơ sở triết học của chủ nghĩa cổ điển là chủ nghĩa duy lí. Vì thế nó đề cao vai trò tối thượng của lí trí.

Hãy yêu lí trí, tác phẩm của các bạn phải tìm ở đấy ngọn nguồn duy nhất của sự trong sáng và giá trị của nó (Boa-lô).

Những nguyên tắc mỹ học của chủ nghĩa cổ điển được diễn giải trong tác phẩm Nghệ thuật thơ ca của Boa-lô là :

– Hướng về những hình tượng và hình thức của văn nghệ cổ đại như là quy phạm mỹ học lí tưởng.

– Hình tượng nghệ thuật chủ nghĩa cổ điển muốn vươn tới cái điển hình. Đó là một tấm gương đặc biệt trong đó cái cá biệt trở thành cái chủng loại, cái nhất thời trở thành cái vĩnh cửu, cái hiện thực trở thành cái lí tưởng, cái lịch sử trở thành huyền thoại. Nó là sự chiến thắng của lí trí và trật tự đối với cái hỗn độn và đối với toàn bộ kinh nghiệm sinh động của cuộc sống.

– Coi trọng chức năng xã hội – giáo dục của văn nghệ.

– Lấy tự nhiên làm đối tượng mô phỏng. Song tự nhiên mà chủ nghĩa cổ điển hướng tới là “cái tự nhiên đẹp”) nằm bên trong con người của các bậc “mã thượng phong lưu” (honneta – homme). Vì thế Boa-lô từng kêu gọi “phải nghiên cứu tâm lí chốn cung đình và phải hiểu lòng người nơi thành thị“.

Mỹ học chủ nghĩa cổ điển tạo ra một hệ thống quy định khắt khe cho các thể loại văn học. Họ chia ra thể loại “thượng đẳng” và thể loại “hạ đẳng”. Thể loại “thượng đẳng” gồm có bi kịch, sử thi, tụng ca,… Phạm vi phản ánh của chúng là đời sống quốc gia, những biến cố lịch sử, thần thoại. Các nhân vật chính của chúng là các nhà tu hành, tướng lĩnh, các nhân vật thần thoại và những bậc tử vì đạo .Thể loại “hạ đẳng” gồm có hài kịch, trào phúng, thơ ngụ ngôn,… phản ánh cuộc sống hằng ngày, không tiêu biểu của tầng lớp trung lưu.

Mỗi thể loại có những giới hạn nghiêm ngặt và những đặc điểm hình thức rạch ròi. Không được phép lẫn lộn giữa cái cao ca, với cái thấp hèn, cái anh hùng với cái thường nhật, cái bi với cái hài. Thể loại chủ đạo của chủ nghĩa cổ điển là bi kịch, hướng về những vấn đề xã hội đạo đức quan trọng nhất của thời đại. Bi kịch của chủ nghĩa cổ điển được xây dụng theo những quy tắc chặt chẽ, trong đó có quy tắc tam duy nhất.

Trong thực tiễn sáng tác, các nhà văn lớn của chủ nghĩa cổ điển đã xóa nhòa ranh giới phân chia hình thức nói trên đối với các thể loại. Chẳng hạn, đối với Mô-li-e, hài kịch không còn là “thể loại hạ đẳng” nữa, mà đã có những tác phẩm được mệnh danh là “hài kịch thượng đẳng”, bởi vì trong đó ông đã đặt ra và giải quyết những vấn đề xã hội, đạo đức, triết học quan trọng nhất của thời đại không kém gì bi kịch cả.

Văn học của chủ nghĩa cổ điển đã đạt được những thành tựu lớn trên nhiều thể loại gắn liền với tên tuổi nhiều nhà văn nổi tiếng thế giới như Coóc-nây (1606 – 1684), Ra-xin (1639 – 1699) (bi kịch) Mô-li-e (1622 – 1673) (hài kịch), La Phông-ten (1621 – 1695) (thơ ngụ ngôn), Boa-lô (1636 – 1711) (thơ trào phúng và 1í luận phê bình),… Với những thành tựu đó, chủ nghĩa cổ điển đã góp phần tích cực vào sự phát triển của văn học về sau.

Ở Việt Nam, chủ nghĩa cổ điển như một phong cách nghệ thuật, một khuynh hướng mỹ học, chưa bao giờ xuất hiện. Thuật ngữ văn học cổ điển mà ta thường dùng khi nói đến văn học Việt Nam theo nghĩa rộng như trên đã nói. Cụ thể nó là tên gọi chung một giai đoạn văn học phát triển rực rỡ với nhiều tác phẩm đạt dến trình độ mẫu mực ra đời từ cuối thế kỷ XIX trở về trước.

* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 11:36 Chiều ngày 24/04/2017