Chủ nghĩa đa đa

chủ nghĩa đa đa (tiếng Pháp : dadaisme) là một khuynh hướng tiền phong chủ nghĩa trong văn nghệ Tây Âu ra đời và tồn tại trong những năm 1916 – 1922, bắt đầu ở Thụy Sĩ, sau đó lan sang một số nước Tây Âu như Pháp, Đức. Khuynh hướng này do Tơ-rít-xtăng Da-ra, người Ru-ma-ni khởi xướng tại Bỉ và nhanh chóng được tầng lớp thanh niên trí thức có xu hướng vô chính phủ hưởng ứng, tiếp nhận. Những người này mang tâm trạng bất bình với nền văn minh phương Tây đang khủng hoảng và lo âu cho số phận nhân loại bị đe dọa nghiêm trọng trước tai họa của cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất. Thái độ chống đối cuộc chiến tranh này của họ thể hiện trong những nguyên tắc thẩm mĩ mà họ truyền bá như chủ nghĩa phi lí, chủ nghĩa hư vô phản thẩm mĩ; làm cho công chúng bất ngờ bằng những thủ pháp nghệ thuật kì lạ như kết hợp những từ ngữ âm thanh vô nghĩa với nhau, chắp nhặt những thứ bắt gặp ngẫu nhiên. Vì thế những tác phẩm của họ phần lớn là hỗn độn, bí hiểm, được tạo ra bởi những ngẫu hứng bất ngờ. Thuật ngữ đa đa mà trường phái này dùng để đặt tên cho mình cũng do một sự tình cờ bắt gặp một cách ngẫu nhiên trong một cuốn từ điển Pháp. Nó có nghĩa đen là “con ngựa gỗ” (của trẻ em) và nghĩa bóng là “lời nói bi bô không mạch lạc của trẻ thơ”.

Trên những mặt nào đó, chủ nghĩa đa đa có những điểm giống với chủ nghĩa vị lai, nhất là trong thái độ phủ định cái cũ và trong sự tìm tòi sáng tạo nghệ thuật mang nặng tính hình thức chủ nghĩa. Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, những người theo chủ nghĩa đa đa ở Pháp đấu tranh cho một nền văn nghệ thoát li chức năng xã hội. Còn ở Đức chủ nghĩa đa đa lại mang màu sắc chính trị nhiều hơn. Họ chống lại chủ nghĩa quân phiệt và chế độ tư sản. Trong những năm 20 phần lớn những người thuộc trường phái đa đa ở Pháp đều chuyển sang chủ nghĩa siêu thực, còn ở Đức thì chuyển sang chủ nghĩa biểu hiện.

Chuyên mục: Văn hóaVăn học. Thẻ: Thuật ngữ văn học.
* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 11:10 Sáng ngày 13/04/2017